Giá cà phê giảm sâu, ở mức thấp chưa từng thấy
Theo ghi nhận của PV, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên trong ngày 25/4 cao nhất chỉ đạt 31.200 đồng/kg tại Đắk Lắk, các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông cùng ở mức 31.000 đồng/kg.
Trong khi ở tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê chỉ còn 30.400 đồng/kg. So với cùng kì năm ngoái, giá cà phê trong nước giảm tới 7.000 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xuất khẩu giao tại cảng TP.Hồ Chí Minh (giá FOB) hiện lùi về mức 1.346 USD/tấn, trừ lùi ở mức thấp khoảng 45 USD/tấn.
Trên thị trường kì hạn, chốt phiên giao dịch hôm 24/4, giá cà phê robusta giao trong tháng 5 trên sàn London giảm 0,5% xuống còn 1.362 USD/tấn. Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica cũng giảm 0,7% xuống chốt tại mức 90,8 UScent/pound.
Năm ngoái, thị trường cà phê sôi động bao nhiêu thì năm nay trồi sụt thảm hại bấy nhiêu. Cùng kì này năm 2018, giá cà phê trong nước đang trong xu hướng tăng, giá giao dịch đạt 37.000 - 37.500 đồng/kg. Giá cà phê nhân xuất khẩu cũng duy trì mức cao, đạt 38.400 đồng/kg.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá cà phê trong nước giảm là do ảnh hưởng bởi thị trường cà phê thế giới. Nếu như năm ngoái, giá cà phê robusta dao động quanh mức 1.780 - 1.800 USD/tấn thì năm nay, giá cà phê robusta thấp hơn tới hơn 420 USD/tấn.
Giá cà phê liên tục giảm sâu như hiện tại và xuống thấp nhất trong khoảng 1 thập kỉ qua là do nguồn cung cà phê toàn cầu liên tục ở mức cao. Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết, lượng tiêu thụ cà phê thế giới trong năm 2018/19 dự báo đạt 164,99 triệu bao, tăng so với mức 161,38 triệu bao của năm 2017/18, tuy nhiên vẫn không "nhằm nhò" gì so với nguồn cung liên tục thặng dư.
Cụ thể, trong niên vụ cà phê 2018/19, sản lượng được dự báo vượt quá mức tiêu thụ là 3,06 triệu bao, ghi nhận năm thặng dư thứ hai liên tiếp. Trong năm 2017/18, thị trường cà phê thặng dư tới 4,16 triệu bao.
Giá tiêu hôm nay "lặng sóng"
Theo ghi nhận trên thị trường nông sản, giá hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ vẫn tiếp tục đi ngang, dao động trong khoảng 43.000 – 46.000 đồng/kg.
Tình trạng giá tiêu giảm sâu kéo dài suốt từ cuối năm 2017 đến nay khiến nhiều nông dân bỏ bê vườn tiêu, không chăm sóc nên cây bị suy kiệt từng ngày, nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết trắng.
Trong đó, Bình Phước là một trong những địa phương trồng tiêu lớn của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước. Ngoài việc gặp khó khăn vì giá hồ tiêu liên tục lao dốc, nông dân trồng tiêu ở đây còn phải đối diện với tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, mùa mưa thì thiệt hại do lốc xoáy. Vì vậy, không ít hộ trồng tiêu đã không còn muốn gắn bó với loại cây gia vị này mà chuyển sang trồng cây ăn trái.