Trước đó, trong bản báo cáo thị trường nông sản tháng 11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá cà phê sẽ còn trì trệ cho tới cuối năm nay do Việt Nam vào vụ thu hoạch mới.
Trong khi đó, tồn kho cà phê Brazil vụ mùa năm ngoái lẫn năm nay vẫn còn dồi dào và người Brazil vẫn bán mạnh do tỷ giá đồng Reais giảm thấp ở mức đang có lợi cho họ.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết trong 10 ngày giữa tháng 11, giá cà phê robusta và arabica sau khi tăng đã giảm trở lại, nhưng vẫn cao hơn so với cùng kì tháng trước.
Cụ thể, trên sàn giao dịch London, giá cà phê robusta sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 10, vào ngày 15/11 đã giảm trở lại.
Ngày 19/11, giá cà phê robusta giao kì hạn tháng 1/2020 và kì hạn tháng 3/2020 cùng giảm 0,9% so với ngày 9/11, xuống 1.372 USD/tấn và 1.394 USD/tấn, nhưng tăng lần lượt 9,7% và 9,4% so với ngày 19/10.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 19/11, giá cà phê arabica giao kì hạn tháng 12 giảm 3,6% so với ngày 9/11, xuống mức 105,5 Uscent/lb, nhưng tăng 10,3% so với ngày 19/10.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), so với tỉ lệ trung bình hàng năm là 2,1% trong 10 năm trước, tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu trong niên vụ 2018 - 2019 và 2019 - 2020 ước tính sẽ chậm lại.
Sản lượng tiêu thụ cà phê trên thế giới trong niên vụ 2018 - 2019 tăng 1,7% lên 165,35 triệu bao và trong niên vụ 2019 - 2020 dự kiến sẽ tăng 1,5% lên 167,9 triệu bao.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong niên vụ 2019 - 2020, nhu cầu cà phê ở châu Á và châu Đại Dương dự đoán tăng 3% lên 37,84 triệu bao và ở Bắc Mỹ tăng 1,7% lên 30,97 triệu bao.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định nhu cầu cà phê toàn cầu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.