FPT Retail hé lộ nguyên nhân lợi nhuận quý 3 giảm còn 73 tỷ đồng

FPT Retail trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu của 2 chương trình F-Friends và Subsidy nên lợi nhuận sau thuế đạt 234 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù doanh thu quý 3/2019 của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) tăng khá hơn 24% khi đạt 4.424 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn tăng cao hơn khi chiếm 3.869 tỷ đồng và chi phí lãi vay tăng mạnh gần 50%, chiếm 35 tỷ đồng.

Do đó, sau khi trừ các chi phí khác, FPT Retail báo lãi ròng quý 3 giảm gần 10%, xuống 73 tỷ đồng.

FPT Retail he lo nguyen nhan loi nhuan quy 3 giam con 73 ty dong
 

Nhà bán lẻ công nghệ đã ghi nhận doanh thu 9 tháng đạt 12.427 tỷ đồng, tăng trưởng gần 13% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu mảng bán hàng trực tuyến (online) của FPT Retail đạt mức 2.974 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tỷ trọng 23,9% tổng doanh thu.

Trong tháng 9, FRT trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu của 2 chương trình F-Friends và Subsidy, theo đó lợi nhuận sau thuế đạt 234 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm 2018.

Kết thúc quý 3/2019, tổng số lượng cửa hàng FPT Shop là 584 và số lượng nhà thuốc Long Châu là 50. Trong đó, FPT Retail đã hoàn tất việc ký hợp đồng nhà thêm với 20 địa điểm để mở nhà thuốc Long Châu. Vì vậy, kế hoạch có 70 nhà thuốc Long Châu trong năm 2019 sẽ hoàn tất trong năm nay.

Ở mảng kinh doanh sim và phụ kiện, số lượng phụ kiện bán ra là 3,9 triệu, tăng 29% so với cùng kỳ; số lượng SIM đạt gần 680,000, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh số laptop của FPT Shop trong quý 3 tăng 75% so với quý 2 và tăng 6% so với quý 3 năm 2019. Cũng trong quý 3, FPT Shop khai trương 7 trung tâm laptop tại các tỉnh thành cả nước.

Đáng ghi nhận là tại thời điểm cuối tháng 9/2019, lượng tiền mặt của FPT Retail xông xênh hơn khi tăng 21% ở khoản mục tiền và các khoản tương đương, lên 1.152 tỷ đồng. Thêm vào đó, đầu tư tài chính ngắn hạn cũng tăng vọt từ 4 tỷ cùng kỳ lên 574 tỷ đồng.

Tổng tài sản tăng hơn 12%, lên mức 5.802 tỷ đồng. Vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 3.082 tỷ đồng, tăng hơn 4%, FPT Retail không vay nợ dài hạn.

Về cổ phiếu, kết phiên 29/10, cổ phiếu FRT đang ghi nhận phiên đỏ điểm thứ 3 liên tiếp, đã xuống mốc 40.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm hơn 14% trong vòng 1 quý vừa qua.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN