Doanh nghiệp nhôm thép Việt Nam ra sao khi bị Mỹ áp thuế 25%?

Trong báo cáo vừa được công bố, MBS Research đánh giá các doanh nghiệp tôn mạ như HSG và NKG sẽ bị ảnh hưởng nhẹ do quyết định áp thuế trong khi HPG không chịu tác động tiêu cực.
Vào ngày 11/2, Chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu. Động thái này nhằm bảo hộ các nhà sản xuất thép nội địa trong bối cảnh một số nhà máy lớn tại Pennsylvania đã phải đóng cửa trong năm 2024. Biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép giảm khoảng 4% so với cùng kỳ, xuống mức trung bình 2,46% trong quý 4/2024 do giá thép giảm khoảng 32% trong năm.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia từ MBS Research, doanh nghiệp Việt Nam có thể bị tác động nhẹ khi Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% lên các sản phẩm thép.
Theo MBS Research, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ năm 2024, cùng với Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam đã chịu mức thuế 22% - 36% theo Mục 232 của Đạo luật Thương mại Mỹ từ năm 2018, thấp hơn so với các đối tác thương mại khác, vốn bị áp thuế trên 60%.
Doanh nghiep nhom thep Viet Nam ra sao khi bi My ap thue 25%?
 Ảnh minh họa
Tính đến cuối năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm khoảng 13% thị phần, sau ASEAN và EU. Sản lượng xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 đạt 1,7 triệu tấn, tăng 50% so với năm 2023. Trong đó, tôn mạ, thép cán nguội (CRC) và thép cuộn cán nóng (HRC) chiếm 60% tổng sản lượng.
Trên tổng sản lượng thép xuất khẩu sang Mỹ 2024, HRC & tôn mạ chiếm 60% và các mặt hàng này đang chịu thuế suất 21%-36%. Trong đó, các sản phẩm thép xây dựng và HRC đang phải chịu mức thuế khoảng 33% - 36%. Theo đó, MBS Research đánh giá các sản phẩm này có thể không chịu tác động từ chính sách của Mỹ do mức thuế hiện nay đã cao hơn 25%.
Tuy nhiên, 1 số sản phẩm tôn mạ có mức thuế khoảng 22% và khi tăng thuế có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá đối với thép VN do đó khả năng cao các DN sẽ phải giảm giá bán tại Mỹ.
MBS Research nhận định trong bối cảnh nhu cầu của Mỹ đang phụ thuộc vào thép xuất khẩu (chiếm 51% tiêu thụ) nên việc tìm kiếm các nhà xuất khẩu mới có thể cần thời gian, bên cạnh đó các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam hoàn toàn có thể giảm giá bán nhằm duy trì thị phần do biên lợi nhuận gộp đang ở mức ổn định 8% - 10%. Nhờ đó, sản lượng xuất khẩu có thể duy trì trong khi biên lợi nhuận dự kiến giảm nhẹ.
Thêm nữa, kể từ quý 3/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra thuế Chống bán phá giá đối với thép CORE và dự kiến trong quý 2/2025 sẽ có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, đây là dòng sản phẩm làm từ thép cán nguội (CRC) nên không có doanh nghiệp niêm yết sản xuất sản phẩm này. Do đó, MBS Research đánh giá, thuế này không có tác động đến các doanh nghiệp niêm yết hiện nay.
Đánh giá tác động của chính sách mới đến Hòa Phát ( HPG), MBS Research cho rằng doanh nghiệp này sẽ không bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là các sản phẩm thép xây dựng và HRC (mặt hàng xuất khẩu chính của Hòa Phát) hiện đang chịu mức thuế trên 33%, vốn đã cao hơn mức 25% vừa được áp dụng. Đồng thời, xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 3% tổng sản lượng của HPG.
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp tôn mạ như Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG) và Tôn Đông Á (GDA) được MBS Research nhận định sẽ chịu ảnh hưởng nhẹ từ chính sách thuế mới này.
Theo MBS Research, các doanh nghiệp tôn mạ có thể giảm biên lợi nhuận gộp trong bối cảnh khả năng cao sẽ phải giảm giá bán nhằm duy trì thị phần tại Mỹ. Đối với sản lượng xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ, sản lượng có thể duy trì ổn định nhờ giảm giá bán và việc tìm kiếm các nhà cung cấp khác sẽ mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, MBS Research cũng đưa ra dự báo về mức tăng trưởng doanh thu các doanh nghiệp thép trong năm 2025. Theo đó, Hòa Phát ( HPG), Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) được dự báo mức tăng trưởng lần lượt là 24%, 12% và 17% so với năm 2024. Trong khi lợi nhuận ròng cũng được nhận định sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo mức tăng lần lượt đạt 50%, 51% và 30% so với cùng kỳ.
Minh Vy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN