Chiều 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thay mặt Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ giai đoạn 2021-2023 cho Agribank.
Khoản vốn bổ sung trên sẽ được lấy từ dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt hơn 6.700 tỷ đồng. Phần còn lại hơn 10.300 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.
Phân tích nguyên nhân đề xuất bổ sung vốn cho Agribank, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc bổ sung vốn cho Agribank là hết sức cấp thiết, động thái này sẽ giúp Agribank đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II.
Thống kê tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Agribank chỉ đạt 7%, thấp hơn so với các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước khác như Vietcombank là 9,98%, VietinBank 8,54% và BIDV 8,4%.
Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm 2022 là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước, thậm chí thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank (gần 35.200 tỷ), MB (hơn 45.300 tỷ), VPBank (hơn 67.400 tỷ đồng).
Đến 31/12/2022, tổng tài sản của Agribank đạt 1.874.839 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2021; tổng thu nhập đạt 159.945 tỷ đồng, tăng 21,7% so với năm 2021, đạt 120% kế hoạch.
Nguồn vốn huy động đạt 1.711.585 tỷ đồng, tăng 130.808 tỷ (+8,3%) so với đầu năm, đạt 103,8% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao (tăng 8%-11%, điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng).
Tín dụng tăng trưởng tốt và ổn định ngay từ đầu năm. Đến 31/12/2022, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.443.286 tỷ đồng, tăng 129.061 tỷ đồng (+9,8%) so cuối năm 2021, phù hợp kế hoạch tăng trưởng Ngân hàng Nhà nước giao (tăng tối đa 10,5%).
Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Agribank tăng cao nhất trong lịch sử hoạt động, đạt 22.539 tỷ đồng, xuất phát từ việc tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.
|
Lợi nhuận trước thuế năm 2022 của Agribank |
Theo Agribank, ngân hàng đã tiết giảm tối đa nhiều khoản mục chi phí và chủ động điều hành công cụ lãi suất để đẩy mạnh thu hồi nợ đã xử lý rủi ro sau đại dịch Covid-19. Các giải pháp nhằm tăng thu lãi tồn đọng, tăng thu dịch vụ ngoài tín dụng trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đóng góp đáng kể và lợi nhuận của Agribank.
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 22,12%, vượt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao là 16,8%.
Trong những tháng cuối năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng Agribank vẫn phát hành thành công 12.431 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn, trong đó có 2.431 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, đưa vốn chủ sở hữu của Agribank lên 86.997 tỷ đồng.
Với kết quả đó, năm 2023, Agribank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng từ 7% - 10%. Vốn huy động thị trường 1 (không bao gồm tiền gửi KBNN) tăng từ 7% - 10%, có điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng dư nợ. Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng từ 7% - 11% và phù hợp với kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN dưới 2%; Tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn dưới 2%.
Tổng thu nhập tối thiểu 152.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 8% so với năm 2022 và được điều chỉnh theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu 18%. Thu dịch vụ tăng từ 8% - 10%.