Ngày 23/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có thông báo về trạng thái chứng khoán của cổ phiếu FLC thuộc CTCP Tập đoàn FLC.
Theo đó, cổ phiếu FLC bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/5 do chậm nộp BCTC kiểm toán 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.
Đồng thời, cổ phiếu FLC tiếp tục bị đình chỉ giao dịch theo quyết định ngày 24/2 do tổ chức đăng ký giao dịch là công ty bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở GDCK hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy bỏ niêm yết nhằm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư.
Trước đó, FLC cho biết Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã có dự thảo các báo cáo tài chính năm 2021 của FLC. Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận giữa hai bên về ý kiến kiểm toán, UHY và FLC đang cùng thực hiện các thủ tục bổ sung làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp.
Báo cáo tài chính kiểm toán 2021 chính thức sẽ được công bố trong vòng 3 ngày sau khi hai bên thống nhất nội dung và không muộn hơn ngày 25/5/2023. Đồng thời, FLC cam kết sẽ gấp rút hoàn thành và công bố báo cáo thường niên năm 2021 trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày công bố báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán.
Sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên 2021, HĐQT FLC sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, dự kiến vào tháng 8/2023.
Hiện FLC đang dừng ở mức giá 3.500 đồng/cổ phiếu kể từ khi bị đình huỷ niêm yết trên HOSE.
Trên thực tế, không chỉ riêng FLC đang gánh hai án phạt mà các cổ phiếu trong họ FLC cũng không khá hơn là bao.
Cụ thể, cổ phiếu ROS bị huỷ niêm yết từ tháng 9/2022 đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác và xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Đồng thời cổ phiếu HAI bị huỷ niêm yết trên HOSE từ ngày 18/4 do tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Còn lại KLF, AMD, GAB và ART cũng đều bị đình chỉ giao dịch.
Trong đó, vừa qua HOSE cũng có công văn lưu ý GAB về khả năng bị hủy niêm yết do Công ty liên tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức niêm yết theo quy định.
GAB cho biết Công ty đang hết sức nỗ lực tìm kiếm các đơn vị kiểm toán để thực hiện kiểm toán BCTC 2022 và BCTC soát xét bán niên 2022. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm và đàm phán không thuận lợi do nhiều yếu tố khách quan như các đơn vị kiểm toán với nhiều lý do và từ chối hợp tác với Công ty sau sự kiện cá nhân ông Trịnh Văn Quyết – nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bị khởi tố, mặc dù GAB đã khẳng định và cam kết cổ đông Trịnh Văn Quyết không tham gia điều hành, kinh doanh hay đầu tư chứng khoán và chỉ đạo mọi hoạt động quản trị của GAB.
Ngày 16/5, HĐQT FLC đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức Phó Chủ tịch của ông Doãn Hữu Đoàn, đồng thời bổ nhiệm bà Trần Thị Hương (sinh năm 1983) - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc thường trực - giữ chức vụ Người phụ trách quản trị Công ty từ thời điểm trên.
Bà Hương được bổ nhiệm nắm giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực FLC vào ngày 1/3, sau khi 3 nữ tướng khác của FLC đồng loạt từ nhiệm. Trước đó, bà Hương từng nắm giữ một số vị trí quản lý cấp cao trong các công ty thuộc hệ sinh thái của FLC.