Để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, cần mở nút thắt gì?

Tổng kết lại một năm đầy ấn tượng của kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Vẫn cần mở những nút thắt để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn nữa. 
Tại Hội thảo “Mở những nút thắt để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế; Câu lạc bộ Các nhà công thương Việt Nam phối hợp tổ chức, không ít chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra nhiều "vật cản" đang cản trở kinh tế Việt Nam phát triển; đồng thời nêu ra hướng "hóa giải" những nút thắt này.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải tháo nút thắt để kinh tế Việt Nam  phát triển bền vững.
Năm 2017, Việt Nam tham gia và làm chủ nhà của Tuần lễ cấp cao APEC trong bối cảnh chính trị, kinh tế trên thế giới có rất nhiều thay đổi và biến động ở nhiều tầng nhiều nấc, Việt Nam gặp rất nhiều thách thức cũng như cơ hội. 
Trong nước, Chính phủ đang có những cải cách mạnh mẽ về chính sách dành cho doanh nghiệp, củng cố niềm tin xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động. Tuy vậy, theo PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua được đánh giá cao, song vẫn thiếu sự bền vững và dễ bị tổn thương. Hoạt động kinh doanh, sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn bởi chính những vấn đề nội tại của doanh nghiệp, như: Chưa kịp đổi mới quản trị, chưa bắt kịp xu thế công nghệ, những rào cản đến từ tồn tại, hạn chế của chính sách...
Những bất cập hiện nay trong điều hành các luật thuế cũng được nhiều chuyên gia kinh tế bàn tới. PGS.TS Đặng Văn Thanh - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế; Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Công thương Việt Nam - cho rằng: Hiện nay còn nhiều ý kiến và đang xin ý kiến thêm các doanh nghiệp, chuyên gia trong cả nước về thuế tiêu thụ đặc biệt vì nó tác động mạnh mẽ không chỉ tới các doanh nghiệp, mà tới toàn xã hội. "Thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những sắc thuế rất cần thiết của Nhà nước, nó không chỉ có nhiệm vụ tăng ngân sách Nhà nước, mà quan trọng hơn là định hướng, hướng dẫn tiêu dùng xã hội, hướng dẫn sản xuất kinh doanh, mang tính vĩ mô của cả nền kinh tế. Vì vậy việc điều chỉnh một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ.
Mời quý độc giả xem Video "Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2017". Nguồn: VNEWS:
Trong buổi Hội thảo, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đã nói về Luật Cạnh tranh trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét thông qua Luật Cạnh tranh sửa đổi trong kỳ họp vào tháng 5/2018 tới. Theo ông Tân, trong quá trình 10 năm thực hiện, Luật Cạnh tranh cũng có nhiều bất cập.
"Sắp tới Chính phủ giao Bộ Công thương xây dựng dự thảo luật cạnh tranh để trình Quốc hội. Chúng tôi đã có kiến nghị và báo Chính phủ để báo cáo Quốc hội nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng tiếp cận các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phản cạnh tranh, tác động đến doanh nghiệp trong nước. Đó cũng là yếu tố cơ bản, là nút thắt đầu tiên cần giải quyết trong mối tương quan của doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế.
Về giải pháp cho năm 2018, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để “đuổi” kịp tốc độ tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng khoảng 8% trong 10 hoặc 20 năm tiếp theo.

Muốn làm được điều đó, Chính phủ cần có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa…; đưa ra những chính sách thu hút đầu tư, chính sách thuế hợp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích được các nhà đầu tư nước ngoài; song vẫn đảm bảo cơ hội cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển…
Lê Thịnh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN