Trước đó, hồi tháng 8/2018, DATC cũng đã lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản là kho gas LPG (Hải Phòng) của Đầu tư Minh Quang và các công ty liên quan với giá khởi điểm 185 tỷ đồng.
Kho LPG Hải Phòng được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 12/2007 với số vốn đầu tư 580 tỷ đồng, trên diện tích 2.28 ha. Đây là kho chứa gas (LPG) lớn thứ 2 tại Việt Nam thời điểm đó (chỉ sau kho LPG ở Vũng Tàu) với sức chứa LPG của kho năm 2009 là trên 5,000 tấn. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, sản lượng tính theo năm của kho sẽ tăng dần từ 32,000 tấn năm 2008 tới 200,000 tấn năm 2013 và 300,000 tấn vào năm 2018.
Chủ đầu tư kho LPG Hải Phòng chính là Công ty TNHH Đầu tư Minh Quang - một đơn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng dự án kho chứa gas, vận tải và kinh doanh các sản phẩm từ gas dân dụng cũng như công nghiệp.
Công ty Minh Quang thành lập năm 2004 và có trụ sở chính tại Hà Nội. Đại diện pháp luật của Minh Quang là ông Nguyễn Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty.
Theo nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp cấp ngày 26/04/2018, ông Nguyễn Quang Anh góp vốn 174.65 tỷ đồng vào Minh Quang, tương đương 97% vốn điều lệ. Một cá nhân khác là bà Ngô Xuân Ánh góp 5.35 tỷ đồng, tương đương 3% vốn điều lệ của công ty này.
|
Kho LPG Hải Phòng |
Lập hồ sơ khống chiếm đoạt tiền của VIB và SeABank
Liên quan đến vị Tổng giám đốc cũng như khối tài sản này, gần đây nhất, vào tháng 7/2019, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 360 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) từ các hợp đồng mua bán khống khí ga hóa lỏng.
Tổng giám đốc Nguyễn Anh Quang chính là 1 trong 4 bị cáo khác bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Nguyễn Anh Quang làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Minh Quang. Ngoài ra, Quang còn thành lập và chỉ đạo điều hành 3 công ty khác, gồm: Công ty TNHH Đầu tư vận tải Dầu khí Việt, CTCP Đầu tư dầu khí và khoảng sản quốc tế PASC, CTCP Đầu tư Dầu khí Việt.
Nguyễn Anh Quang đã chỉ đạo thuộc cấp ký các hợp đồng, chứng từ mua bán hàng hóa khống là khí gas hóa lỏng để Quang sử dụng làm hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn và hồ sơ tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay để ký hợp đồng tín dụng với VIB và SeAbank để vay tiền.
Sau khi được các ngân hàng này giải ngân, Quang không sử dụng tiền để kinh doanh khí gas hóa lỏng mà dùng trả nợ cho các khoản vay trước đó và chi tiêu cá nhân, đến nay không còn khả năng trả nợ.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, các bị cáo đã chiếm đoạt của VIB số tiền hơn 82 tỷ đồng, chiếm đoạt của SeABank hơn 254 tỷ đồng và 1.236.620 USD. Tổng số tiền chiếm đoạt của các ngân hàng là hơn 360 tỷ đồng.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát xác định các bị cáo còn gian dối trong việc sử dụng nhiều hóa đơn mua bán không có thật để lập hồ sơ xin hoàn thế giá trị gia tăng và chiếm đoạt hơn 16,3 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.