Trong tháng 11, chỉ số VN-Index đã lập mức đỉnh 16 tháng, nhưng đà tăng đã không kéo dài.
Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng mạnh 1,68% trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 11 (mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 12/03/2019) vượt ngưỡng kháng cự 1.000 điểm, nhờ thông báo mua lại cổ phiếu quỹ của VHM và VRE (60 triệu cổ phiếu VHM và 56,5 triệu cổ phiếu VRE), giúp kích hoạt đà tăng ở các cổ phiếu này.
VHM, VRE và các cổ phiếu blue-chip khác đã dẫn dắt VN-Index lên 1.024,91 điểm vào ngày 6/11, mức đóng cửa cao nhất 16 tháng qua.
Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã thất bại trong việc bảo vệ thành quả này khi bắt đầu đà giảm từ giữa tháng 11 và kết thúc tháng 11 ở mức 970.75 điểm, ghi nhận mức giảm 2,8% so với tháng trước và thấp hơn 5,3% so với mức đỉnh ghi nhận vào ngày 6/11.
Hầu hết các nhóm ngành đều giảm điểm, ngoại trừ Y tế và Vật liệu. Nổi bật có nhóm Tiêu dùng không thiết yếu giảm 82,% so tháng trước, còn nhóm Tiêu dùng không thiết yếu giảm 7,2%. Trong đó, những ông lớn đầu ngành như MWG giảm 12,5%, VNM giảm 6,5%, SAB giảm 13,2% và MSN giảm 5,7%.
Ở chiều ngược lại, nhóm Y tế và Vật liệu là 2 nhóm ngành duy nhất ghi nhận tăng điểm lần lượt là 3,6%và 0,4% so tháng trước.
Đây cũng là tháng mà khối ngoại tiếp tục bán ròng tháng thứ tư liên tiếp. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 40,7 triệu USD trên cả 3 sàn. Trong đó bán ròng 46,2 triệu USD trên sàn HOSE; nhưng lại mua ròng 5,2 triệu USD trên sàn HNX và 0,3 triệu USD trên sàn UPCoM.
Nổi bật trong nhóm được nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất trong tháng chính là VHM (+36,7 triệu USD) và VRE (+11,6 triệu USD).
Ngược lại, các mã bị bán ròng mạnh nhất bao gồm VNM (-32,5 triệu USD), CTG (-25,1 triệu USD) và VIC (-14,2 triệu USD).
Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thị trường khởi đầu tháng 12 với diễn biến kém tích cực. Trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12, chỉ số VN-Index đã tiếp tục đà giảm khi mất đi 1,8%.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất được kỳ vọng sẽ cải thiện trong tháng cuối cùng của năm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước các dịp nghỉ lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, tỷ lệ P/E trượt thấp hơn chỉ đạt 15,9 lần của VN-Index so với các thị trường lân cận (SET của Thái Lan 18,8 lần và JCI của Indonesia 19,6 lần) sẽ phần nào duy trì tính hấp dẫn của Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực.