Theo đó, ngày chốt danh sách là ngày 15/12/2020 và ngày thanh toán là ngày 30/12/2020.
Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2020, cổ đông SCS đã thông qua việc trả cổ tức năm 2020 ở mức 36% mệnh giá và ủy quyền cho HĐQT quyết định tỷ trọng giữa cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SCS đóng cửa phiên ngày 27/11 tại mức giá 125.300 đồng/cp, ghi nhận tăng hơn 7% chỉ trong 1 tháng qua. Khối lượng giao dịch bình quân khá thấp chỉ gần 30.000 đơn vị mỗi phiên.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VCSC), khi SCS chia mức cổ tức tiền mặt cao hơn mức phê duyệt trong giai đoạn 2018-2019, VCSC giả định rằng SCS sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt ở mức 7.000 đồng/cp cho năm 2020, tương ứng lợi suất cổ tức 5,6%.
Về tình hình kinh doanh, sản lượng hàng hóa quốc tế của SCS trong quý 3/2020 phục hồi mạnh so với mức thấp vào quý 2/2020 nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh tại Việt Nam và một số quốc gia tại châu Á có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với Việt Nam.
Sản lượng hàng nội địa trong quý 3/2020 tăng trưởng 4% so với cùng kỳ nhờ Bamboo Airways đưa vào khai thác đội bay thân rộng và phục hồi tần suất chặng bay nội địa về mức tương đương cùng kỳ năm ngoái.
Theo VDSC, kết quả kinh doanh quý 3/2020 của SCS cho thấy sự hồi phục tích cực, dù vẫn giữ mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần quý 3/2020 theo đó đạt 167 tỷ đồng và lãi ròng đạt 115 tỷ đồng, đồng loạt giảm 10% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2020, sản lượng hàng hoá quốc tế của SCS ước đạt 150 ngàn tấn (giảm 10% so với cùng kỳ) sau khi hoạt động gần đây của SCS đã có sự khởi sắc. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự phóng lần lượt đạt 704 tỷ đồng (giảm 6%) và 492 tỷ đồng (giảm 2%).
Đối với năm 2021-2022, VDSC kỳ vọng ngành hàng không sẽ phục hồi từ mức thấp của 2020, dù có sự không chắc chắn về thời điểm và tốc độ phục hồi vì phụ thuộc vào tiến độ sản xuất và cung ứng đại trà vắc-xin.
VDSC duy trì quan điểm SCS có lợi thế cạnh tranh tốt nhờ vị thế độc quyền khai thác hàng hóa cảng hàng không lớn nhất cả nước (Tân Sơn Nhất). Rào cản gia nhập ngành lớn giúp SCS củng cố vị thế cạnh tranh này, nhờ (1) đặc thù hạn chế quỹ đất tại khu vực phía Nam sân bay, (2) việc xây dựng nhà ga hàng hóa mới theo quy hoạch tại phía Bắc sân bay không khả khi do vị trí không thuận lợi so với các nhà ga hành khách tại phía Nam.
Ngoài ra, SCS có dư địa tăng trưởng lớn với khả năng tăng công suất thiết kế thêm 150 ngàn tấn/ năm trong khi đối thủ chính TCS khó nâng đáng kể công suất thiết kế do đặc thù công nghệ và quỹ đất. Nhờ đó, SCS đạt hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt với suất sinh lời cao trong nhiều năm, dựa trên nền tảng tài chính vững mạnh nhờ không sử dụng nợ vay. VDSC đánh giá dịch Covid-19 là khó khăn tạm thời đối với SCS.