Cổ phiếu ngành chăn nuôi HAG, BAF tăng mạnh theo giá thịt heo

Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng trần lên 14.600 đồng/cp, BAF của Nông nghiệp BAF Việt Nam cũng tăng hết biên độ lên 22.100 đồng/cp.

Co phieu nganh chan nuoi HAG, BAF tang manh theo gia thit heo

Giá thịt heo tăng nóng từ đầu tháng 5. Nguồn: Anova Feed

Phiên ngày 17/5, nhóm cổ phiếu chăn nuôi tăng “bốc đầu”. Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng trần lên 14.600 đồng/cp, BAF của Nông nghiệp BaF Việt Nam cũng tăng hết biên độ lên 22.100 đồng/cp. Nhiều cổ phiếu chăn nuôi khác như DBC, MSL, MML có mức tăng giá ấn tượng từ 6% đến 9%. Nếu xét trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu HAG và DBC tăng khoảng 30%, PSL tăng 20%, BAF và MML tăng trên 11%.

Diễn biến tăng giá của nhóm chăn nuôi được hỗ trợ bởi giá thịt heo tăng nóng từ đầu tháng 5. Theo Anova Feed, giá thịt heo hơi bình quân cả nước ngày 17/5 đạt 64.700 đồng/kg, tăng 4,7% so với đầu tháng và tăng 30% tính từ đầu năm. Nhiều khu vực ở miền Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên… có mức giá 67.000 đồng/kg.

Ông Ngô Cao Cường – Giám đốc Tài chính của Nông nghiệp BaF dự báo giá thịt heo sẽ lên khoảng 70.000 đồng/kg cho đến hết quý II. Nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn cung. Các doanh nghiệp chăn nuôi phải nhập heo giống với chi phí cao vì ảnh hưởng từ dịch tả heo châu Phi. Lãnh đạo BaF đánh giá hiện nay không có heo giống hay heo cai sữa để tái đàn, đồng thời, người nông dân hoặc doanh nghiệp muốn tái đàn thì cũng phải chờ đến tháng 12 mới bán được nên giá khó giảm.

Trong năm 2023, đặc biệt là nửa cuối năm, giá thịt heo lao dốc xuống dưới 50.000 đồng/kg, người nông dân và doanh nghiệp làm không có lời, thậm chí lỗ. Việc giá thịt heo phục hồi sẽ giúp những doanh nghiệp tăng đàn từ 2023 hưởng lợi lớn.

Nông Nghiệp BaF đã đẩy mạnh đầu tư chuồng trại, tăng đàn từ 2023 nên sản lượng heo bán ra năm nay dự kiến gần 610.000 con, gấp 2,1 lần thực hiện năm trước. Công ty đặt mục tiêu doanh thu 5.500 tỷ đồng, tăng 6% và lãi sau thuế 306 tỷ đồng, gấp 10 lần năm trước.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Dabaco (mã: DBC) cho biết đã nhập về 10.000 con lợn giống trong năm 2023 và nhập thêm lô mới vào ngày 24/4 vừa qua. Doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 730 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 25 tỷ của năm trước.

Quý I công ty đạt 73 tỷ đồng lợi nhuận, cải thiện so với con số lỗ 321 tỷ của quý I/2023. Ông So dự báo quý II đạt khoảng 250 tỷ đồng.

Do thận trọng, Hoàng Anh Gia Lai không tăng đàn trong năm 2023. Trong bối cảnh giá tăng, công ty đã tăng đàn, kỳ vọng quý cuối năm và năm 2025 có thể hưởng thành quả.

Chăn nuôi Mitraco (mã: MSL) kỳ vọng có lãi 5 tỷ đồng sau năm thua lỗ 34 tỷ đồng. Masan MEATLife (mã: MML) lỗ gần 540 tỷ năm trước và đặt mục tiêu chỉ lỗ 400 tỷ hoặc có lãi 100 tỷ năm nay.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá cao triển vọng cả ngành chăn nuôi năm nay. Giá thị heo tăng mạnh từ đầu năm và dự kiến duy trì mặt bằng khá cao trong thời gian tới. Nguyên nhân là nhu cầu tái đàn của người dân khá thấp trong bối cảnh dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và việc luật hạn chế các hộ dân nhỏ lẻ thực hiện chăn nuôi trong nội thành. Đồng thời, tình trạng heo nhập lậu đã được kiểm soát.

Mặt khác, chỉ số giá các loại ngũ cốc tại thời điểm tháng 4 giảm từ 19 – 30% so với cùng kỳ năm trước giúp tiết kiệm chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi. Dự báo nguồn cung các mặt hàng ngũ cốc như ngô và đậu tương sẽ tiếp tục dư thừa trong năm nay, giúp cho giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức thấp. Điều này kết hợp với giá bán tăng giúp doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng biên lợi nhuận gộp.

Cuối cùng, theo Luật Chăn nuôi, chăn nuôi trong khu vực dân cư sẽ bị nghiêm cấm, luật có hiệu lực từ 2020 và trong vòng 5 năm kể từ ngày hiệu lực, các cơ sở chăn nuôi vi phạm phải ngưng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn tài chính và quỹ đất lớn chiếm lĩnh thị phần. 

Theo Ngân Hà/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN