Top 10 mã chứng khoán vốn hóa cao nhất trong cả 3 sàn chứng khoán HoSE, HNX và UPCoM kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Kỷ Hợi vẫn xoay quanh những “ông lớn” như năm cũ nhưng đã có sự đổi ngôi rất lớn.
Đáng nói, top 10 năm nay ghi nhận sự rớt đài của MSN của Masan so với năm trước do sự biến động của giá cổ phiếu. Thế vào vị trí này chính là một cái tên rất nổi trong những ngày cuối năm - CTG của Vietinbank.
Giá trị vốn hóa, căn cứ theo lượng cổ phiếu lưu hành và thị giá cổ phiếu, là chỉ tiêu đánh giá một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.
Tổng giá trị vốn hóa top 10 này ghi nhận tăng hơn 16% so với kết thúc phiên giao dịch năm Mậu Tuất 2018 khi đạt hơn 2,12 triệu tỷ đồng, tương ứng 92 tỷ USD.
|
Top 10 vốn hóa cao nhất sàn chứng khoán năm Kỷ Hợi.
|
Doanh nghiệp vốn hóa cao nhất, tương ứng có giá trị nhất sàn chứng khoán năm Kỷ Hợi tiếp tục vinh danh Vingroup, với quy mô 16,89 tỷ USD, tăng 23% so với năm Mậu Tuất. Điều này cũng dễ hiểu khi cổ phiếu VIC ghi nhận mức tăng 16%, từ 98.800 đồng lên 114.900 đồng trong năm qua.
Năm 2019, Vingroup đã gây bất ngờ khi quyết định tái cơ cấu hoạt động kinh doanh bằng việc rút lui hoàn toàn khỏi mảng bán lẻ và hàng không để dồn lực cho công nghệ (Vinsmart) và sản xuất (VinFast).
Cụ thể là Vingroup quyết định sáp nhập hệ thống VinMart, VinMart+ (thuộc VinCommerce) và VinEco (mảng nông nghiệp) vào CTCP Hàng tiêu dùng Masan. Đồng thời, sáp nhập mảng thương mại điện tử Adayroi vào ứng dụng VinID, và đóng cửa chuỗi điện máy VinPro.
Trong khi VIC vẫn duy trì đầu bảng thì, công ty con VHM (Vinhomes) lại tụt một bậc xuống vị trí thứ ba với vốn hóa 12,78 tỷ USD (tăng 9,7%) dù thị giá cổ phiếu vẫn tăng gần 12% lên 89.400 đồng.
Ở vị trí “á quân”, VCB của Vietcombank đã dành chỗ của VHM khi vốn hóa đạt 15 tỷ USD, tăng 65% so với năm trước. Cổ phiếu VCB cũng có một năm rực rỡ khi ghi nhận tăng 65%, lên 93.400 đồng kết phiên cuối năm âm lịch. Đây cũng đang là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất hiện nay.
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của Vietcombank ở mức 1,22 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Ngân hàng đang có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tới 33.669 tỷ đồng.
Ngoài VCB, BID của BIDV cũng là cổ phiếu ngân hàng lọt vào top 10 vốn hóa cao nhất và có sự bứt phá từ vị trí thứ 9 của năm trước lên thứ 4 với giá trị 9,7 tỷ USD, tăng mạnh tới 106%. Thị giá cổ phiếu BID ghi nhận mức tăng cao nhất trong top 10 này với 75,6%, lên 55.500 đồng.
Giá trị vốn hóa của BID tăng mạnh do ngân hàng này vừa hoàn tất đợt phát hành cổ phần riêng lẻ cho đối tác ngoại KEB Hana Bank. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của BID tăng từ 34.187 tỷ lên hơn 40.220 tỷ đồng, trở thành nhà băng có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam.
|
Cổ phiếu nào có giá trị nhất sàn chứng khoán năm Kỷ Hợi? |
Do thị giá cổ phiếu giảm 10%, xuống mức 121.300 đồng nên VNM của Vinamilk đã tụt từ vị trí thứ ba xuống thứ năm với vốn hóa 9,18 tỷ USD.
Ở nửa dưới của bảng xếp hạng, cổ phiếu CTG của Vietinbank đã lọt top 10 thế chỗ cho sự rớt đài của MSN (Masan) để cùng với những cái tên quen thuộc năm cũ như GAS, SAB (Sabeco), ACV và TCB (Techcombank).
Trong đó, SAB là cổ phiếu có thị giá cao nhất hiện nay với 232.500 đồng, dù biên độ tăng giảm không lớn.
Sự rớt đài của Masan có ảnh hưởng từ biến động mạnh của giá cổ phiếu sau thương vụ mua lại chuỗi Vinmart của Vingroup. Cổ phiếu MSN giao dịch trong vùng giá 90.000 đồng trong 9 tháng đầu năm đã giảm về 53.400 đồng kết phiên Kỷ Hơi. Hệ quả là giá trị vốn hóa của Masan "bốc hơi" khoảng 1 tỷ USD.