Báo cáo tài chính quý 3/2023 cho biết, MSB có thu nhập lãi thuần đạt hơn 2.437 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Khoản thu nhập từ kinh doanh ngoại hối cũng mang về cho ngân hàng hơn 565 tỷ đồng, tăng 72%.
Ở chiều ngược lại, một số mảng kinh doanh của MSB kém khả quan như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 234 tỷ đồng, giảm 14%; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh xuống mức hơn 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 151 tỷ đồng. Ngoài ra, MSB ghi nhận khoản lỗ hơn 12 tỷ đồng từ kinh doanh chứng khoán trong quý 3/2023.
Ngân hàng này đã dành hơn 416 tỷ đồng cho trích lập dự phòng trước rủi ro tín dụng. Sau cùng, ngân hàng này báo lãi trước thuế đạt hơn 1.674 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, MSB đạt 5.223 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng 8,3% cùng kỳ và hoàn thành 83% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Tính đến 30/9/2023, tổng lãi và phí phải thu (lãi dự thu) tại MSB tăng vọt 71% so với đầu năm, từ 2.808 tỷ đồng lên 4.790 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 1.981 tỷ đồng sau 9 tháng.
Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lãi (bao gồm cho vay khách hàng). Khi khách hàng ký hợp đồng tín dụng, kể từ thời điểm giải ngân, ngân hàng bắt đầu tính lãi; theo thỏa thuận trên hợp đồng thì định kỳ ngân hàng đều hạch toán khoản lãi dự thu và sẽ thu được khi khách hàng "thực trả".
Do đó, lãi dự thu liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực. Lãi dự thu như con dao hai lưỡi, lợi nhuận được đẩy lên cao nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro nếu ngân hàng không thể thu được các khoản dự lãi.
Khi nhìn vào bức tranh tài chính của nhà băng này, nhiều người không khỏi giật mình, vì nợ xấu của ngân hàng này liên tục leo cao và đều qua các quý. Cụ thể nợ xấu tại MSB tăng vọt 100% so với đầu năm, từ 2.069 tỷ đồng lên hơn 4.146 tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 2.078 tỷ đồng chỉ sau 9 tháng.
Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tại MSB từ 1,71% hồi đầu năm lên 2,94% (gần chạm mốc 3%). Liên quan đến nợ xấu của các nhà băng, Ngân hàng Nhà nước từng đặt "ngưỡng trần" nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước...
Xét về cơ cấu các nhóm nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 2,7 lần lên mức 1.214 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng vọt 97%, từ 442,8 tỷ đồng lên gần 1.386 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh nhất, cao gấp 3,1 lần so với đầu năm, lên hơn 1.548 tỷ đồng.
Đáng nói, ngân hàng MSB còn đang ‘ôm’ hơn 4.583 tỷ đồng nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) cao gấp 2,7 lần so với đầu năm.
Nợ nhóm 2 dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn tăng cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Trong khi nợ xấu, nợ nhóm 2 và lãi dự thu tăng nhanh, ngân hàng MSB lại đang đối mặt với tình trạng thu hồi nợ chậm. Tính đến 30/9/2023, nợ khó đòi đã xử lý chỉ tăng nhẹ 8% so với đầu năm, ghi nhận hơn 14.710 tỷ đồng. Trong khi đó, tại thời điểm 30/9/2022, con số nợ khó đòi đã xử lý tăng 17% so với đầu năm (cả năm 2022 tăng tới 19%).
Nếu đối chiếu tổng dư nợ cho vay quý 3 của MSB là 141.245 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 là 112.179 tỷ đồng (tăng 29.066 tỷ đồng), tương đương tăng khoảng 20%. Nhưng soi chiếu vào nợ xấu, thì thấy tốc độ của nợ xấu tăng nhanh đáng kinh ngạc (tăng khoảng gần 300%). Nghi ngờ mức độ bền vững tài chính của MSB sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nợ xấu.
Một vấn đề khác khiến nhà đầu tư không khỏi quan ngại, đó là tỷ lệ tài sản có khác của MSB kết thúc quý 3 vẫn ở mức đỉnh, với con số lên tới 16.387 tỷ đồng. Theo các chuyên gia tài chính, tài sản có khác được xem là loại tài sản “chết”, có tính thanh khoản thấp và không có khả năng sinh lời, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng.
Lợi nhuận lũy kế sau thuế quý 3 của MSB đạt 1.325 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 317 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 24%. Nhưng soi chiếu vào nợ xấu đang liên tục "bứt tốc" so với cùng kỳ tới gần 300%, thì khoản lợi nhuận nêu trên "không thấm vào đâu" so với nợ xấu.
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chịu nhiều áp lực từ bối cảnh chung thế giới, thanh khoản bất động sản thấp... dự báo trong tương lai gần, MSB sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do chất lượng tài sản nên khó có thể khơi thông dòng vốn.