Cổ phiếu FTM và TTB khiến nhà đầu tư ‘đau tim’ nhất trong năm 2019

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019 mang lại cho nhà đầu tư nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn. 
 

Nhưng nỗi đau "nhớ đời" nhất đối với các nhà đầu tư có lẽ là sự cố giảm sàn gây sóng gió của cổ phiếu ngành dệt may FTM và TTB.

Nhà đầu tư khóc ròng vì FTM giảm sàn 30 phiên liên tiếp

Hy hữu nhất là cú “đổ đèo” 30 phiên giao dịch liên tục của mã cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) trong tháng 8.

Kể từ phiên 14/8, cổ phiếu FTM đột ngột giảm sàn và tình trạng này kéo dài trong nhiều phiên. May thay, chuỗi giảm sàn liên tiếp 30 phiên đã kết thúc trong phiên sáng 27/9. Như vậy, từ mức giá 23.650 đồng, chỉ sau 1 tháng cổ phiếu FTM đã bay hơi gần 90%.

FTM bắt đầu giảm sàn sau khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 thua lỗ và bị loại ra khỏi danh sách cổ phiếu được cầm cố cho vay margin.

Trong thông cáo về giá cổ phiếu và hoạt động kinh doanh, phía Fortex cho hay, do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên sản lượng tiêu thụ và giá bán sợi của Fortex sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019.

Điều này dẫn đến doanh thu của FTM sụt giảm mạnh. Trong khi đó, giá bông nguyên liệu đầu vào giảm không đáng kể dẫn đến Công ty ghi nhận lỗ hơn 31 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.

Với kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FTM đã lo ngại và bán số lượng cổ phiếu lớn ra thị trường.

Khó khăn chồng chất khó khăn, kết quả kinh doanh thua lỗ cộng với giá trị cổ phiếu giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu cũng như các nhà đầu tư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của Công ty trên thị trường.

Thế nhưng, với diễn biến giảm sàn liên tục khiến dấy lên tin đồn làm giá cổ phiếu đối với Fortex.

Giới đầu tư, các nhà môi giới bàn tán xôn xao khi báo chí đưa tin xung quanh câu chuyện các công ty chứng khoán (CTCK) bị thiệt hại từ diễn biến giá cổ phiếu FTM. Theo đó, hiện có nhiều CTCK được các “khách hàng” thực hiện cầm cố lượng lớn cổ phiếu FTM để vay.

Đến nay, vụ việc này vẫn là dấu chấm hỏi lớn khi chưa có câu trả lời chính thức. Người thiệt hại nhất là nhà đầu tư.

Hiện, cổ phiếu FTM của Fortex đang được giao dịch quanh mức giá 2,450 đồng/cp, giảm đến 85% so với thời điểm niêm yết.

Co phieu FTM va TTB khien nha dau tu ‘dau tim’ nhat trong nam 2019
 FTM và TTB là 2 cổ phiếu khiến nhà đầu tư ‘đau tim’ nhất trong năm 2019?

Sau sự cố rên, Công ty đã thay mới nhân sự và tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 29/10. Cổ đông Fortex đã thông qua việc bầu thêm 3 thành viên HĐQT, gồm ông Lê Mạnh Thường, ông Đỗ Văn Sinh và bà Đỗ Thị Bích Vân.

Trong đó, ông Lê Mạnh Thường sinh năm 1975, đã từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của Fortex trong giai đoạn tháng 6/2016 - 4/2019. Hiện tại, dù không giữ chức vụ tại Fortex nhưng ông vẫn đang là cổ đông lớn với 5,1 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ sở hữu 10,2%.

Thành viên thứ hai được đề cử vào HĐQT Fortex là ông Đỗ Văn Sinh (sinh năm 1980), hiện đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc của công ty. Ngoài ra, ông Sinh cũng từng là Trợ lý Tổng Giám đốc kiêm Phó Giám đốc Kinh doanh của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (UPCoM: SPD) và Trưởng phòng Kinh doanh của CTCP Tập đoàn Đại Cường.

Thành viên HĐQT còn lại mới được bầu là bà Đỗ Thị Bích Vân (sinh năm 1989), hiện công tác trong lĩnh vực đào tạo và triển khai phát triển hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning. Trước đó, bà Vân chưa làm việc tại Fortex.

Tại cuộc họp, tờ trình về việc thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp và chủ trương tái cơ cấu Công ty cũng được ĐHĐCĐ thông qua. Phương án thực hiện cụ thể được giao cho HĐQT xây dựng và lên kế hoạch.

Đi theo vết xe đổ FTM, cổ phiếu TTB lao dốc nhiều đợt và mất 80% thị giá

Đi theo vết xe đổ của Fortex, cổ phiếu TTB của Tập đoàn Tiến Bộ cũng nằm sàn khá lâu và đến hiện tại đã mất 80% thị giá.

Bắt đầu từ phiên 28/10, cổ phiếu TTB bất ngờ giảm sàn từ 22.200 đồng/cp xuống còn 20.650 đồng/cp, đồng thời thanh khoản giảm hẳn so với các phiên trước đó với khối lượng giao dịch hơn 25.000 đơn vị.

Tuy vậy trong khoảng thời gian từ 8-19/11, cổ phiếu TTB mới thật sự nằm sàn, từ mức giá 17.700 đồng/cp còn 10.750 đồng/cp.

Trước việc cổ phiếu liên tục giảm sàn, ngày 18/11, Tập đoàn Tiến Bộ đã có công văn giải trình cho biết công ty không thực hiện bất kì hoạt động nào bất thường có tác động đến việc giảm giá chứng khoán trên thị trường, việc mua bán do nhu cầu của nhà đầu tư và nằm ngoài kiểm soát của công ty.

Đến ngày 20/11, Công ty công bố Nghị quyết HĐQT về việc mua lại 1 triệu cổ phiếu TTB theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch để làm cổ phiếu. Ngân sách dự kiến chi ra khoảng 12 tỷ đồng. Đồng thời, các lãnh đạo Công ty cũng đồng loạt đăng kí mua vào để cứu giá cổ phiếu.

Trong đó, Chủ tịch HĐQT Phùng Văn Bộ đăng kí mua 500.000 cp; thành viên HĐQT Phùng Văn Thái dự kiến mua 200.000 cp; các lãnh đạo còn lại gồm thành viên HĐQT Trần Thanh Bình và Trưởng Ban kiểm soát Dương Thị Vân cùng đăng kí mua 100.000 cp.

Sau thông tin này, cổ phiếu TTB đã tạm ngừng lao dốc trong vài phiên sau đó cùng thanh khoản xuất hiện trở lại. Tuy nhiên đến phiên 25/11 cổ phiếu này lại tiếp tục giảm sàn và kéo dài đến phiên 9/12.

Gần đây nhất, cổ phiếu TTB cũng giảm sàn trong 4 phiên từ ngày 11-16/12. Kết phiên 18/12, cổ phiếu TTB chỉ còn 3.890 đồng/cp, mất hơn 80% thị giá kể từ đầu nện sàn.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN