Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, đến giữ tháng 7, cổ phiếu này bắt đầu lao dốc về vùng 21.500 đồng/cp.
Đáng chú ý, khoảng thời gian cổ phiếu TNH biến động mạnh cũng là thời điểm giao dịch nội bộ của công ty sôi động. Người thân ông Hoàng Tuyên – Chủ tịch HĐQT bán hàng triệu cổ phiếu, gồm bà Cao Thị Hồng, chị dâu bán 620.395 cổ phiếu; bà Hoàng Anh – con gái bán 1,5 triệu cổ phiếu; ông Hoàng Tùng – con trai bán 1,5 triệu cổ phiếu; ông Hoàng Thao – anh trai bán 1,29 triệu đơn vị. Các lãnh đạo khác cũng bán ra như ông Lê Xuân Tân, Tổng Giám đốc bán 1,5 triệu đơn vị; ông Nguyễn Văn Thủy, Thành viên HĐQT bán 3,5 triệu đơn vị. Tất cả giao dịch đã thực hiện đều là thỏa thuận.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Đôn, cựu Thành viên HĐQT đăng ký bán toàn bộ 4,26 triệu cổ phiếu TNH từ ngày 6/8 đến 3/9. Ông Đôn là bố vợ ông Đào Mạnh Duy, Phó Tổng Giám đốc công ty.
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Anh Dĩnh, Phó Tổng Giám đốc đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu nhưng chỉ giao dịch thành công 100.000 đơn vị. Ông Ngô Minh Trường, Thành viên HĐQT đăng ký mua 500.000 cổ phiếu nhưng chỉ giao dịch thành công 26.500 đơn vị. Nguyên nhân do điều kiện thị trường chưa phù hợp.
Trong khi lãnh đạo doanh nghiệp bán ra thì khối ngoại đã mua ròng hơn 9 triệu cổ phiếu TNH trong vòng 2 tháng qua. Phiên ngày 9/7, TNH được khối ngoại gom hơn 5 triệu đơn vị, có 4,7 triệu đơn vị là giao dịch thỏa thuận. Phiên ngày 15/7, cổ phiếu này tiếp tục được khối ngoại mua gần 4,4 triệu đơn vị. Giá giao dịch quanh vùng 28.500 đồng/cp – vùng đỉnh từ khi niêm yết.
Một tổ chức đến từ Singaphore là Blooming Earth Pte. Ldt công bố trở thành cổ đông lớn của Bệnh viện TNH từ 12/7 sau khi mua thêm 412.000 cổ phiếu để nâng sở hữu lên 5,7 triệu đơn vị, tỷ lệ 5,2%.
Việc khối ngoại gom đã khiến room ngoại còn lại tại TNH giảm từ trên 9% xuống 1,7 – 1,8%. Room ngoại của công ty sẽ được mở ra bởi cổ đông trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 6 đã duyệt phương án tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 49% lên 70%.
HĐQT kỳ vọng mở room giúp tăng tính thanh khoản trong giao dịch, tăng cường khả năng huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của công ty và thay đổi cơ cấu cổ đông theo hướng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Gia hạn khoản nợ với lãnh đạo đến tháng 3/2025
Mới đây, tập đoàn công bố việc ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian vay vốn các thành viên HĐQT để trả nợ trái phiếu đã phát hành năm 2020. Số tiền vay 92 tỷ đồng và thời hạn gia hạn đến 31/3/2025.
Hai bên gia hạn hợp đồng vay để tập đoàn thực hiện xong thủ tục phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và bố trí nguồn vốn trả nợ theo hợp đồng đã ký.
Tại BCTC quý II, công ty ghi nhận khoản vay cán bộ công nhân viên 92 tỷ đồng với kỳ hạn 12 tháng kể từ tháng 8/2022, lãi suất 5,45%/năm. Công ty vay để đáo hạn trái phiếu phát hành 2020 và sử dụng vào các mục đích hợp pháp khác theo quy định. Đây là lần thứ 3 công ty xin gia hạn khoản nợ này.
Theo kế hoạch, công ty sẽ chào bán 15,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp để huy động tiền trả nợ và bổ sung vốn lưu động.
Trong đó, công ty dùng 92 tỷ để trả các cá nhân. Cụ thể, công ty sẽ trả ông Hoàng Tuyên – Chủ tịch HĐQT 35,6 tỷ đồng, ông Lê Xuân Tân – Thành viên HĐQT (11,4 tỷ đồng), ông Nguyễn Văn Thủy – Thành viên HĐQT (35 tỷ đồng), ông Nguyễn Xuân Đôn – cựu Thành viên HĐQT (10 tỷ đồng).
Phương án được thông qua từ kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, gần 1 năm sau, tức tháng 6 vừa qua, công ty mới công bố Nghị quyết HĐQT triển khai.
Tại cuối quý II, tổng nợ vay của công ty ở mức 595 tỷ đồng, tăng thêm 215 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 35%.
Về mặt tài sản, công ty có 21 tỷ đồng tiền tại cuối quý II, giảm mạnh so với mức 202 tỷ đầu năm. Ngược lại, chi phí xây dựng dở dang tăng mạnh từ 433 tỷ đồng lên 705 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng bệnh việt Việt Yên tăng từ 385 tỷ lên 544,5 tỷ đồng, bệnh viện TNH Lạng Sơn tăng từ 43 tỷ lên 134,5 tỷ đồng, phát sinh khoản đầu tư xây dựng bệnh viện quốc tế 20,7 tỷ đồng.
Nửa năm thực hiện gần 35% chỉ tiêu lợi nhuận
Nửa đầu năm, công ty báo cáo doanh thu thuần 222,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 44,4% xuống 36,3%. Lợi nhuận gộp giảm 21% xuống 80,7 tỷ đồng. Do vậy, dù chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm, lợi nhuận sau thuế giảm 14% xuống 53,6 tỷ đồng.
Công ty cho biết chi phí giá vốn hàng bán tăng do tập trung phần lớn nguồn lực để hoàn thiện dự án bệnh viện TNH Việt Yên, đặc biệt là các chi phí thu hút để tuyển dụng nhân sự đầu vào cho bệnh viện. Mặt khác, công ty thực hiện điều chỉnh đồng loạt mức thu nhập cho người lao động để đảm bảo phù hợp với mức lương cơ sở của nhà nước sau khi điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1/7.
Ngoài ra, một số mặt hàng đấu thầu khan hiếm nên buộc công ty phải tìm kiếm đơn vị cung cấp khác có đơn giá thuốc cao hơn so với mặt hàng thuốc trúng thầu. Bên cạnh đó, mặc dù nền kinh tế có xu hướng phục hồi sau đại dịch covid nhưng vẫn gặp khó khăn dẫn đến giá vốn tăng nhanh.
Công ty con TNH Lạng Sơn tiếp tục trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa phát sinh doanh thu và đóng góp lợi nhuận của nhóm công ty.
Năm nay, TNH đặt mục tiêu doanh thu 540 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận sau thuế 155 tỷ đồng, tăng 3,33% so với thực hiện 2023. Sau nửa chặng đường, công ty thực hiện được 42,2% chỉ tiêu doanh thu và 34,6% chỉ tiêu lợi nhuận.