Chứng khoán phiên 23/2: Cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Các công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến nghị cho cổ phiếu nào trong phiên giao dịch ngày 23/2?
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SCS
CTCK SSI (SSI)
Dựa trên phương pháp định giá DCF cùng với việc thay đổi ước tính lợi nhuận của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS), chúng tôi tăng giá mục tiêu 1 năm lên 80.800 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá khoảng 11,8%) từ mức 69.300 đồng/cổ phiếu. Với giả định hàng hóa quốc tế tăng 45% so với cùng kỳ và hàng hóa nội địa tăng 8% năm 2024.
Chúng tôi nâng khuyến nghị với cổ phiếu SCS lên khả quan dựa trên giá mục tiêu mới và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ từ hợp đồng mới.
Chung khoan phien 23/2: Co phieu nao duoc khuyen nghi?
 
Khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu STB
CTCK Agribank (AGR)
Lợi nhuận trước thuế quý IV và cả năm 2023 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) ghi nhận tăng đáng kể, lần lượt là 2.755 tỷ đồng (tăng 45%) và 9.595 tỷ đồng (tăng 51%), nhờ chi phí dự phòng giảm mạnh.
Lũy kế cả năm 2023, thu nhập lãi thuần tăng 29%, biên lãi ròng (NIM) tiếp tục xu hướng tăng, đạt 3,8% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm ngoái nhờ tỷ suất sinh lời tài sản cao 9,6%). STB là một trong số ít ngân hàng có tỷ NIM mở rộng trong năm 2023. Trong khi đó tổng thu nhập hoạt động đi ngang so với năm 2022, đạt 26.173 tỷ đồng do sự sụt giảm từ thu nhập hoạt động dịch vụ.
Tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 đạt 2,28%, tăng nhẹ so với mức 2,20% cuối quý III/2023 và STB đã tăng cường gia tăng bộ đệm dự phòng cao hơn trong năm.
Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng nhờ: (1) STB có tỷ lệ trích lập dự phòng cao sẽ có nhiều dư địa mở rộng lợi nhuận khi thu hồi các khoản nợ xấu sau khi hoàn tất Đề án tái cơ cấu năm 2024, từ đó gia tăng nguồn vốn và mở ra triển vọng tăng trưởng dài hạn cho ngân hàng; (2) tăng trưởng tín dụng cao và kết quả từ tái cấu trúc; (3) Mặt bằng định giá hấp dẫn tại mức P/B 1,2x lần.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu STB với giá mục tiêu 36.000 đồng/CP (upside 17%).
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCB
CTCK MB (MBS)
Trong quý IV/2023, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) đạt 11.017 tỷ đồng (tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước), trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng lần lượt 11,4% và 31,1%.
Thu nhập ngoài lãi của TCB tăng trưởng chủ yếu đến từ lãi hoạt động đầu tư chứng khoán và kinh doanh vàng & ngoại hối, trong khi hoạt động thu phí giảm nhẹ 1,5%. TCB đã mạnh tay trích lập 1.634 tỷ đồng trong quý IV/2023 (tăng 136,4% so với cùng kỳ, tăng 72,9% so với quý trước), nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,4% cuối quý III xuống 1,2% cuối quý IV.
Lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 tăng 25,5% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm đạt 18.191 tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ), cao hơn 7,1% so với dự báo gần nhất của chúng tôi và đạt 100% kế hoạch cả năm 2023.
Cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2%, cao hơn so với mức 0,7% cuối năm 22, song khả quan hơn so với dự báo của chúng tôi trước đây. Nợ nhóm 2 giảm 49,2% và chiếm tỷ lệ 0,9%.
Trong năm 2023, TCB đã sử dụng hơn 2.668 tỷ đồng để xử lý nợ xấu (tăng 290,6% so với cùng kỳ, chiếm 79,8% tổng dư nợ trích lập trong kỳ). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt mức 102,1% tại cuối năm 2023, cải thiện hơn so với các quý trước song thấp hơn so với mức 157,1% tại cuối năm 2022.
Dự báo của chúng tôi dựa trên cơ sở: (1) tăng trưởng tín dụng đạt hơn 20% trong năm 2024 và giảm xuống mức 17,5% trong 2025 ; (2) NIM sẽ được duy trì quanh mức 4.3-4.4%, tương đương với mức trước dịch Covid-19. Chúng tôi cho rằng mặc dù môi trường lãi suất thấp được duy trì nhưng lãi suất cho vay cũng sẽ giảm, đặc biệt các khoản vay liên quan đến bất động sản nhằm kích cầu mảng cho vay này.
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với TCB và nâng giá mục tiêu 12 tháng lên 44.800 đồng/CP, tăng 25,8% so với dự báo gần nhất với việc điều chỉnh mức P/B mục tiêu lên 1.1x (báo cáo gần nhất 1.0x).
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN