Chứng khoán ngày 5/5: IDC khả quan trong khi DWG hạ xuống trung lập

Một số mã chứng khoán được các công ty chứng khoán khuyến nghị trước phiên giao dịch ngày 5/5.
TCD: Mảng đá xây dựng giúp cải thiện biên lãi gộp, khuyến nghị nắm giữ
Chứng khoán Yuanta: CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, TCD) ghi nhận doanh thu thuần Q4/2022 đạt 1,043 tỷ đồng (+3.2% YoY và +53% QoQ) và ghi nhận lỗ ròng 83 tỷ đồng trong kỳ. Lũy kế cả năm 2022, TCD ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,994 tỷ đồng (-5.4% YoY) và lãi ròng đạt 300 tỷ đồng (-4.8% YoY). 
Doanh thu mảng xây lắp trong Q4/2022 đạt 538 tỷ đồng (-37% YoY và +11% QoQ), giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do doanh thu xây lắp ghi nhận từ các dự án BĐS giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tín dụng đối với lĩnh vực BĐS bị siết chặt khiến việc triển khai thi công các dự án không đạt tiến độ.
Doanh thu mảng xây lắp của TCD vẫn chủ yếu đến từ việc thi công các dự án BĐS và năng lượng tái tạo trong hệ sinh thái của Tập đoàn BCG.
Biên LNG của mảng xây lắp giảm xuống mức 5.8% so với mức 6.5% của Q4/2021 do chi phí nguyên vật liệu tăng so với cùng kỳ. 
Mảng khai thác đá xây dựng (Antraco) của TCD ghi nhận KQKD tích cực với doanh thu tăng +38% YoY, đồng thời biên LNG cũng cải thiện lên mức 34% so với mức 32.3% của Q4/2021.
Thu nhập tài chính giảm một nửa so với cùng kỳ, đạt 53 tỷ đồng do không ghi nhận cổ tức từ công ty liên kết (66 tỷ đồng) như trong Q1/2021. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng +134% YoY, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng +161% YoY và ghi nhận khoản lỗ 97 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi khoản đầu tư tài chính.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng nợ vay của TCD đạt gần xấp xỉ 2.7 nghìn tỷ đồng (số dư TPDN là 1,473 tỷ đồng), tương ứng với hệ số D/E là 0.73x, tăng so với mức 0.5 của Q4/2021 và mức 0.7x của quý trước. Chúng tôi cho rằng hệ số đòn bẩy tài chính của TCD đang ở mức khá cao và cần được theo dõi chặt chẽ. 
Giá trị xây lắp chưa thực hiện (Backlog) tính tới thời điểm cuối Q1/2023 vào khoảng 9.2 nghìn tỷ đồng và vẫn chủ yếu đến từ các dự án BĐS, NLTT trong nội bộ Tập đoàn BCG.
Chung khoan ngay 5/5: IDC kha quan trong khi DWG ha xuong trung lap
 
IDC - Động lực tăng trưởng từ quỹ đất KCN lớn thứ ba cả nước, khuyến nghị khả quan  
Chứng khoán VNDirect: Tổng Công ty Idico (IDC) sở hữu quỹ đất khu công nghiệp (KCN) cho thuê còn lại lớn thứ ba (751ha) so với các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành, nằm tại các vị trí chiến lược của Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy nhiều thách thức hơn đối với DN phát triển BĐS KCN trong hai năm tới do quá trình phê duyệt dự án chậm và nguồn vốn hạn chế. Tuy nhiên, điều này có thể là cơ hội cho các DN có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn như IDC. Chúng tôi dự phóng doanh thu KCN 2023-24 sẽ lần lượt giảm 14,8%/13,4% svck do mức nền cao năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi ước tính doanh thu KCN 2025 sẽ tăng trở lại 36,2% svck nhờ triển khai thêm dự án KCN Tân Phước 1 (470ha). 
IDC là một trong số ít DN phát triển BĐS KCN tại Việt nam được phép phân phối điện trực tiếp đến khách thuê tại các KCN Nhơn Trạch. Ngoài ra, IDC dự kiến sẽ vận hành các trạm biến áp 189MVA tại KCN Hựu Thạnh trước 2026, giúp thúc đẩy sản lượng phân phối điện của IDC đạt tăng trưởng kép hàng năm 7,2% giai đoạn 2023-2030. Bên cạnh đó, công ty đã khởi công xây dựng dự án điện mặt trời áp mái đầu tiên với công suất lắp đặt 1,1MWp vào Q3/22 và kì vọng sẽ nâng cao công suất lên 120MW đến 2026. Cùng với sự phục hồi của sản lượng thủy điện lên mức 440 triệu kWh (+19% svck) trong 2023 khi dự án Đăk Mi 3 hoạt động trở lại, chúng tôi dự phóng doanh thu từ năng lượng sẽ đạt tăng trưởng kép 12,6% giai đoạn 2023-2025. 
Chúng tôi dự phóng LN ròng 2023-24 giảm lần lượt 11,1%/17,9% svck còn 1.571 tỷ đồng/1.290 tỷ đồng do thiếu các khoản hoàn nhập từ KCN đã lấp đầy. IDC có thể sẽ đưa vào khai thác KCN mới Tân Phước 1 (470ha) tại Tiền Giang, giúp diện tích cho thuê của IDC tăng lên 30-40% svck và thúc đẩy doanh thu 2025. Chúng tôi ước tính LN ròng 2025 của IDC sẽ phục hồi mạnh mẽ 37,9% svck lên 1.867 tỷ đồng.
Chúng tôi khuyến nghị Khả quan bởi (1) sức khỏe tài chính lành mạnh với dòng tiền ổn định, giảm thiểu rủi ro do thắt chặt tín dụng; (2) định giá hấp dẫn với mức tăng 18%. Các yếu tố thúc đẩy tăng giá: 1) diện tích và giá cho thuê cao hơn dự kiến; 2) dự án mới khai thác sớm hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá: 1) doanh thu cho thuê đất KCN thấp hơn dự kiến, 2) việc cấp phép cho dự án mở bán mới chậm hơn dự kiến.
DGW: Sự phục hồi có ý nghĩa sẽ diễn ra trong 2 quý đầu 2024, hạ khuyến nghị xuống trung lập 
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC): 
Mục tiêu lợi nhuận ròng 2023 giảm mạnh 41,5% y/y
CTCP Thế giới số (Digiworld, DGW) đã được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023, với mục tiêu lợi nhuận ròng giảm mạnh 43% y/y, xuống mức 400 tỷ, và mục tiêu doanh thu thuần đạt 20 nghìn tỷ (-9,3% y/y).
Chúng tôi hiểu rằng DGW đang giả định BLN ròng 2023 của công ty sẽ giảm đáng kể 110 bps xuống 2,0% so với 3,1% trong năm 2022, khả năng là do chi phí tăng cao nhằm kích thích nhu cầu và hỗ trợ khách hàng.
Thông qua cổ tức tiền mặt năm 2022 là 1.000 đồng/cp
Cổ đông cũng thông qua chính sách cổ tức tiền mặt cho 2022 là 1.000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ chi trả là 24,4% và suất cổ tức là 3,0% so với mức giá hiện tại.
KQKD sơ bộ Q1/2023: thấp, trượt kỳ vọng do BLN yếu
DGW báo cáo lợi nhuận ròng Quý 1/2023 thấp, giảm 62,6% y/y còn 79 tỷ, thấp hơn so với ước tính của chúng tôi là 128,3 tỷ, trong khi đó doanh thu thuần giảm 43,5% y/y xuống còn 3.960 tỷ, khá sát với ước tính của chúng tôi là 4.099 tỷ đồng.
Cụ thể, BLN gộp trong Q1/2023 ở mức lành mạnh là 6,6% (so với 6,7% trong Q1/2022), bị ảnh hưởng bởi việc OpEx tăng vọt lên 3,9% doanh thu thuần, nhằm kích thích nhu cầu và hỗ trợ khách hàng trong môi trường bán hàng đang chậm lại. Do đó, BLN hoạt động trong giảm xuống còn 2,7%, trong khi BLN ròng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều quý ở mức 2,0% do chi phí tài chính ròng gia tăng.
Triển vọng: KQKD lấy lại đà tăng trưởng 2 chữ số sau 2023
BVSC chia sẻ quan điểm tương tự với Ban lãnh đạo, kỳ vọng nhu cầu sẽ cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm 2023, trước khi phục hồi có ý nghĩa từ năm 2024. Quan điểm của BVSC dựa trên (1) cải thiện rõ ràng hơn từ vĩ mô của Việt Nam; (2) nhu cầu thay thế từ người tiêu dùng trong giai đoạn dồn nén FY21-22; và (3) đóng góp đầy đủ hơn từ việc phân phối các thương hiệu mới, bao gồm: Westinghouse (sản phẩm đồ gia dụng từ Mỹ) và Lotte Chilsung (đồ uống của Hàn Quốc).
Dự báo mới của BVSC cho thấy lợi nhuận ròng của DGW sẽ giảm 34,7% y/y trong năm 2023, phục hồi 29,4% trong năm 2024 và tăng trưởng 23,5% trong năm 2025.
Tóm tắt điều chỉnh dự báo KQKD: Do triển vọng nhu cầu yếu hơn dự kiến, chúng tôi điều chỉnh giảm đáng kể dự báo lợi nhuận ròng 2023-25 cho DGW, giảm trung bình 29.6%. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo do cả:
• Giả định doanh thu giảm, đặc biệt là doanh thu điện thoại di động và laptop, vốn là hàng không thiết yếu và có thể mất nhiều thời gian để phục hồi rõ rệt; và
• Giả định BLN giảm do chia sẻ khó khăn với người dùng cuối và kích cầu.
Hạ khuyến nghị xuống trung lập do định giá chưa hấp dẫn
BVSC điều chỉnh giảm 26,1% giá mục tiêu cho DGW theo phương pháp DCF xuống 36.967 đồng/cp (so với 50.000 đồng trước đây), do việc chuyển cơ sở định giá sang giữa 2024 phần nào bù đắp mức giảm 29,6% trong dự báo KQKD giai đoạn 2023-25. Ở giá mục tiêu mới, chúng tôi định giá DGW ở mức P/E hợp lý là 12,0x (đến giữa 2024).
BVSC hạ khuyến nghị cho DGW xuống trung lập từ vượt trội trước đó, do upside mới ở mức khiêm tốn là 10,0%. Ở mức giá hiện tại, DGW đang giao dịch tại P/E là 10,9x (giữa-FY24), 9,4x (2024), hợp lý so với triển vọng ngắn hạn vẫn thách thức. BVSC khuyến nghị các nhà đầu tư tăng tỷ trọng khi hồ sơ risk-reward hấp dẫn hơn.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN