HPG (Khuyến nghị Tăng tỷ trọng): Biên lợi nhuận gộp dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện
Chứng khoán Agribank: Sản lượng bán hàng hồi phục nhờ ghi nhận tăng trưởng từ mảng xuất khẩu: Trong tháng 8, xuất khẩu thép xây dựng đạt 98 nghìn tấn, gấp 3,5 lần so với tháng trước. Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 8/2023 đạt 306 nghìn tấn, cao nhất tính từ đầu năm. Chỉ 02 tháng đầu quý 3, sản lượng bán hàng thép xây dựng đạt 567 nghìn tấn tương đương 35% so với 06 tháng đầu năm, thép HRC đạt 523 nghìn tấn tương đương 44,3% so với 06 tháng đầu năm nhờ tăng trưởng từ mảng xuất khẩu.
Trước đó, trong Q2/23 HPG ghi nhận doanh thu đạt 29.496 tỷ đồng (+11% sv quý trước) và LNST đạt 1.460 tỷ đồng (+268% sv quý trước) nhờ xuất khẩu HRC tăng mạnh đạt 344.574 tấn, tăng 520% sv quý trước.
Xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng chính của HPG trong thời gian tới trong lúc nhu cầu tiêu thụ trong nước còn yếu nhờ sản lượng sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm vào nửa cuối năm 2023.
Biên lợi nhuận gộp dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm trong khi giá thép có dấu hiệu tạo đáy: Biên lợi nhuận của HPG được cải thiện từ 6% trong Q1 lên 11% trong Q2 nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào (than cốc, quặng sắt) giảm. Tính từ đầu năm, giá than cốc giảm 30%, giá quặng sắt giảm 20%. Kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào sẽ tiếp tục giảm do nguồn cung tăng lên và nhu cầu sản xuất thép thô vẫn yếu. Trong khi đó, giá thép Trung Quốc đang có xu hướng hồi phục nhờ kỳ vọng từ các biện pháp hỗ trợ kinh tế từ Chính phủ Trung Quốc. Giá thép Trung Quốc hồi phục giúp giảm áp lực giảm giá bán đối với thép xuất khẩu.
Triển vọng tăng trưởng dài hạn: Hiện nay, HPG đang nỗ lực triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm. Tính đến tháng 9/2023, dự án đã triển khai được 35% khối lượng công việc, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025 và nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn HRC/năm là động lực tăng trưởng doanh thu trong dài hạn của HPG.
Agriseco Research kỳ vọng nửa cuối năm 2023 sản lượng tiêu thụ của HPG được cải thiện nhờ: (1) Các chính sách của Chính phủ gỡ khó cho thị trường BĐS và đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giúp nhu cầu VLXD sẽ tăng trong giai đoạn cuối 2023-2024 và (2) Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng cuối năm 2023 nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường xuất khẩu chính. Chúng tôi đánh giá ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn nhất và đang bước vào chu kỳ hồi phục. Với vị thế của doanh nghiệp đầu ngành, chúng tôi khuyến nghị Tăng tỷ trọng cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 35.000 đ/cp (upside 23%).
PTB (Khuyến nghị Nắm giữ): Xuất khẩu hồi phục trong 2H2023
Chứng khoán KB Việt Nam: Doanh thu 2Q2023 được hỗ trợ nhờ doanh thu mảng khai thác và sản xuất đá nhân tạo, đạt 489 tỉ VND (+26% QoQ), trong khi đó doanh thu mảng gỗ nội thất đạt 732 tỉ VND (-1% QoQ) khi nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ vẫn ở mức thấp. Biên lãi gộp cấp công ty trong 2Q2023 đạt 22% (+200 bps QoQ, -300 bps YoY), LNST cổ đông công ty mẹ đạt 106 tỉ VND (tương ứng với 7%, tăng 300 bps QoQ)
Chúng tôi cho rằng KQKD mảng đá nhân tạo và gỗ nội thất của PTB sẽ hồi phục tốt hơn trong 2H2023 nhờ (1) số lượng giao dịch nhà ở và xây dựng mới quay trở lại tăng trong T7/2023 sẽ tạo đông lực tiêu thụ cho các sản phẩm đá thạch anh, đá lát và gỗ nội thất, (2) tồn kho của các nhà phân phối nội thất đã giảm 5 tháng liên tiếp từ T2/2023 và nhu cầu tiêu thụ lớn cho giai đoạn cuối năm sẽ thúc đẩy các nhà bán lẻ gia tăng nhập hàng. Đồng thời, diễn biến thuận lợi của tỉ giá USDVND cũng sẽ giúp PTB gia tăng lợi nhuận kênh xuất khẩu
Tới cuối 2Q2023, giá trị hàng tồn kho của dự án Phú Tài Residence đạt 235 tỉ VND, tương ứng với doanh thu còn lại là 530 tỉ VND, chúng tôi kỳ vọng phần lớn doanh thu này sẽ được ghi nhận trong 2024. Bên cạnh đó, dự án Phú Tài Central Life (đã hoàn thiện phần móng, đang xây hầm) cũng sẽ được mở bán từ 2Q2024
Chúng tôi xác định giá trị hợp lý của PTB đạt 67,300 VND/cổ phiếu và khuyến nghị NẮM GIỮ với PTB.
POW (Khuyến nghị Mua): Kết quả kinh doanh vẫn còn mờ nhạt
Chứng khoán Phú Hưng: Kết quả kinh doanh: Nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của POW tăng trưởng vừa phải ở mức 9.2% YoY và đạt 15,854 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế (LNST) lại giảm mạnh xuống 831 tỷ đồng (-40% YoY), chủ yếu là do (1) giá nhiên liệu (đầu vào) cao trong khi giá điện giảm, (2) chênh lệch thu nhập từ tỷ giá hối đoái (không có khoản trong năm 2023) và (3) sản lượng thủy điện sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến tỷ lệ chi phí/doanh thu cao hơn (chủ yếu là chi phí cố định). Kết quả là biên lợi nhuận gộp giảm xuống chỉ còn 7.2% từ mức 13.5% trong nửa đầu năm 2022.
Dự phóng: Chúng tôi kỳ vọng Doanh thu thuần của công ty sẽ tăng đáng kể khoảng 15.8% và đạt mức 32,671 tỷ đồng cho cả năm 2023. Tuy nhiên, LNST có thể giảm mạnh hơn 28% xuống chỉ còn 1,817 tỷ đồng, dù chúng tôi cho rằng Biên lợi nhuận có thể cải thiện nhẹ trong nửa cuối và trong cả năm 2023 do triển vọng của thủy điện cải thiện nhanh chóng, việc huy động bằng nguồn chạy DO sẽ được hạn chế vì căng thẳng về nguồn cung điện dự kiến sẽ biến mất. Từ đó, chúng tôi kỳ vọng Biên lợi nhuận gộp và Biên lợi nhuận ròng sẽ ổn định lần lượt ở mức 10% và 6% cho cả năm 2023F.
Điểm nhấn đầu tư: (1) Doanh thu có thể tăng trưởng trong năm 2023F nhờ nhiệt điện được huy động ngày càng nhiều trong khi thủy điện đang gặp nhiều khó khăn do El Nino. Hơn nữa, kể từ tháng 8/2023, Vũng Áng 1 đã hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm dừng, giúp tổng công suất tăng thêm 600MW. Theo đó, chúng tôi dự báo tổng sản lượng có thể đạt lần lượt 17.5 tỷ và 20.1 tỷ kWh vào năm 2023F và 2024F (tăng trưởng lần lượt là 23.5% và 42.0% so với năm 2022).
(2) Công ty đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 nhà máy điện LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) mới là Nhơn Trạch 3 và 4 với tổng công suất thiết kế 750MW mỗi nhà máy. Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ tạo ra sản lượng tăng thêm gần 4.3 tỷ kWh vào năm 2027F sau khi hoàn thành, và sẽ hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng dài hạn của công ty.
Định giá & khuyến nghị: Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 14,800 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA với mức tăng giá tiềm năng là 16%. Trong định giá này, chúng tôi không tính đến nhà máy điện LNG Quảng Ninh 1,500MW do sự không chắc chắn và thiếu thông tin cần thiết.
Rủi ro: (1) Biến động bất lợi của giá nhiên liệu đầu vào; (2) Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ; (3) Rủi ro suy thoái kinh tế.