Với tỷ lệ thực hiện 10% (sở hữu 1 cổ phần được nhận 1.000 đồng) và hơn 448,35 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VGC sẽ chi khoảng hơn 448 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này.
VGC sẽ chi trả cổ tức đợt này cho cổ đông vào ngày 24/10 tới.
Trước đó, ĐHĐCĐ 2023 của VGC đã thông qua mức cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 20%, bằng với năm 2022.
Tính đến thời điểm 30/6/2023, hai cổ đông lớn của VGC là CTCP Hạ tầng Gelex (công ty con của Tập đoàn Gelex - GEX) và Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50,21% và 38,58%. Như vậy, với đợt trả cổ tức này, Hạ tầng Gelex sẽ thu về 225 tỷ đồng và Bộ Xây dựng 173 tỷ đồng.
Trên thị trường, đóng cửa phiên ngày 22/9, cổ phiếu VGC dừng ở mức 50.400 đồng/cp, ghi nhận mức tăng hơn 12,5% trong vòng 1 tháng qua. Thanh khoản cũng khá sôi động khi bình quân hơn 1,1 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Vừa qua, CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo doanh thu trong năm 2023 của VGC từ mảng khu công nghiệp với tổng diện tích ghi nhận dự kiến 185 ha, trong đó 6 tháng đầu năm đã ghi nhận được 65 ha. Sang năm 2024, doanh thu mảng này dự kiến tăng mạnh nhờ tăng diện tích cho thuê lên 250 ha (tăng 35%) từ việc mở bán mới KCN Thuận Thành I và KCN Tiền Hải – Thái Bình. Giá bán dự kiến tại KCN Thuận Thành I này vào khoảng 120 USD/m2/kỳ thuê (có thể thay đổi tùy theo vị trí và diện tích của khu đất).
Đây cũng là động lực chính kỳ vọng doanh thu và lãi sau thuế của VGC sẽ phục hồi lần lượt 25% và 134% so với cùng kỳ trong năm 2024.
Đối với mảng vật liệu xây dựng của VGC cũng được kỳ vọng hồi phục trở lại nhờ thị trường BĐS được tháo gỡ khó khăn và các hoạt động xây dựng dần được khởi động lại từ năm 2024.
Còn mảng kính và gạch ốp lát của VGC có nhiều tiềm năng tăng trưởng công suất trong tương lai. Công ty đang có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 nhà máy Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ với công suất khoảng 56.8 triệu m2/năm. Nếu nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giúp quy mô sản xuất kính của VGC tăng 60% so với công suất hiện tại.