Khuyến nghị mua VTP với giá mục tiêu 102.200 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) đã công bố KQKD sơ bộ 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu đạt 10,5 nghìn tỷ đồng (+53% YoY) và LNTT đạt 275 tỷ đồng (+10% YoY).
VCSC hiện có khuyến nghị MUA cho VTP với giá mục tiêu 102.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 24,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,4%.
Mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhanh hơn của doanh thu so với LNTT một phần do doanh thu của mảng thẻ cào điện thoại vốn có lợi nhuận thấp từ 300.000 điểm bán lẻ mà VTP nhận được từ Viettel Telecom vào cuối quý 1/2020.
Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu được thúc đẩy bởi mảng chuyển phát cốt lõi của VTP và các dịch vụ logistic khác (ví dụ: fulfillment).
Trong nửa đầu năm 2021, VTP đã thực hiện một số sáng kiến nhằm tối ưu hóa mạng lưới điểm bưu cục của công ty, bao gồm (1) chuyển đổi 1.100 trong số hơn 1.800 bưu cục sang mô hình 'bưu cục số' mới và (2) tăng số lượng điểm thu gom (cụ thể mô hình nhượng quyền thương mại) thêm 583% YoY lên 2.376 điểm.
VTP có kế hoạch nâng tổng số điểm thu gom lên 5.000 điểm vào cuối năm 2021. Theo ban lãnh đạo, các bưu cục số chỉ cần 1 nhân viên so với 5 nhân viên tại các bưu cục truyền thống trong khi các điểm thu phí sẽ giúp VTP giảm chi phí vận hành.
Ngoài ra, VTP tăng cường thương mại điện tử (e-commerce) xuyên biên giới và các dịch vụ chuyển phát bưu kiện lớn vào quý 2/2021 để nắm bắt cơ hội phát sinh từ các gián đoạn do dịch COVID-19.
Vào tháng 6/2021, VTP bắt đầu xuất khẩu vải sang châu Âu từ các vùng bị ảnh hưởng bởi đại dịch tại Việt Nam như tỉnh Bắc Giang thông qua nền tảng e-commerce Voso.vn.
Trong khi đó, các dịch vụ chuyển phát bưu kiện lớn của VTP đang nhắm đến các nhà sản xuất và nhà phân phối đang sử dụng mô hình trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C). Theo ban lãnh đạo, trong bối cảnh dịch COVID-19, VTP có thể giành thị phần từ các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe khách liên tỉnh, vốn đang bị hạn chế đi lại.
|
Chú ý cổ phiếu nào phiên 22/7? |
Ngưỡng hỗ trợ của TDM nằm tại mốc 28.500-29.000 đồng/cp
CTCK BIDV (BSC): TDM đang ở trong trạng thái tăng giá trở lại sau khi có giai đoạn điều chỉnh từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7. Thanh khoản tăng cao trong phiên hôm nay đã giúp cổ phiếu tăng ấn tượng 6.81%.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 đồng thời đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của TDM nằm tại khu vực 28.5-29. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 33, cắt lỗ nếu ngưỡng 28.2 bị xuyên thủng
Khuyến nghị mua TCB với giá mục tiêu 61.300 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) đã công bố KQKD hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 với LN trước dự phòng và LNST sau lợi ích CĐTS đạt lần lượt là 13 nghìn tỷ đồng (+63,4% YoY) và 9,1 nghìn tỷ đồng (+72,7% YoY), lần lượt hoàn thành 54,9% và 55,0% dự báo 2021.
Lợi nhuận tăng mạnh được hỗ trợ bởi (1) mức tăng 56,0% và 53,9% YoY trong thu nhập từ lãi (NII) và thu nhập từ phí (NFI) (bao gồm kinh doanh ngoại hối), (2) mức tăng 47,2% YoY trong lợi nhuận từ chứng khoán đầu tư và (3) thu nhập ròng khác tăng 46,9% YoY, bị ảnh hưởng một phần bởi mức tăng lần lượt là 34,4% và 19,6% YoY của chi phí từ HĐKD và chi phí dự phòng.
Do kết quả 6 tháng năm 2021 chưa phản ánh tác động của việc thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam từ đầu tháng 6/2021, VCSC sẽ cần phải trao đổi thêm với TCB để xem liệu làn sóng COVID-19 thứ tư có thể tác động đến ngân hàng ở mức độ nào.
Tại thời điểm này, do TCB vẫn chưa công bố các đợt cắt giảm lãi suất cho vay mới như các ngân hàng khác, VCSC nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận năm 2021.
NIM đạt mức cao nhất từ trước đến nay trong nửa đầu năm 2021. Thu nhập ngoài lãi (NOII) tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021. Các chỉ số chất lượng tín dụng được cải thiện trong quý 2/2021.
VCSC khuyến nghị mua TCB với giá mục tiêu 61.300 đồng/cp.