Mở vị thế trung hạn cho FPT với giá 53.000 đồng/cp
CTCK BIDV (BSC): FPT đang tạo nhịp tăng giá sau khi tích lũy trung hạn tại ngưỡng giá 50.000 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ nhịp hồi phục ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.
Như vậy, nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế cổ phiếu tại quanh ngưỡng giá 53.000 đồng/cp và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 60.000 đồng/cp, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 50.000 đồng/cp.
Khuyến nghị mua VTP với giá 112.600 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Tập đoàn Viettel công bố kế hoạch chi tiết về việc thoái vốn 6% cổ phần tại Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (VTP).
Tương ứng, Tập đoàn Viettel sẽ thực hiện đấu giá công khai vào ngày 11/11 với giá khởi điểm là 105.500 đồng/cp, cao hơn mức 104.800 đồng/cp mà Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã công bố trước đây.
VCSC hiện có khuyến nghị mua cho VTP với giá mục tiêu 112.600 đồng/cp, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 5,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 1%.
|
Chọn cổ phiếu nào phiên 19/10? |
Khuyến nghị mua LPB với giá 15.500 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Khuyến nghị mua cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) với giá mục tiêu 15.500 đồng/cp, tương ứng với tổng mức sinh lời 23,0%.
LPB là mô hình ngân hàng bưu điện độc quyền tại Việt Nam và sở hữu mạng lưới lớn thứ hai trong hệ thống các ngân hàng, nếu tính cả các phòng giao dịch bưu điện (PTO).
VCSC kỳ vọng tăng trưởng LNST sẽ đạt lần lượt -0,5%/20%/92,8% YoY trong các năm 2020/2021/2022. Dự báo cho mức tăng mạnh trong LNST 2022 đến từ giả định về thương vụ bancasurrance độc quyền mới.
LPB hiện đang giao dịch ở mức thấp trong vùng định giá của các công ty cùng ngành với P/B dự phóng 2020 đạt 0,87 lần so với trung vị ngành là 1,32 lần và ROE 2020 đạt 10,6%, so với trung vị ngành là 18%.
Yếu tố hỗ trợ ngắn hạn: Chuyển niêm yết từ sàn UPCoM sang HoSE.
Khuyến nghị mua PHR với giá 64.700 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Khuyến nghị khả quan cho CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) với giá mục tiêu 64.700 đồng/cp, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 17%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,8%.
PHR là công ty cao su tự nhiên (CSTN) niêm yết với quỹ đất giá trị tại tỉnh Bình Dương. Công ty đang gia tăng hoạt động trong mảng khu công nghiệp (KCN) thông qua chuyển đổi đất cao su sang đất KCN. Trong năm 2018 và 2019, mảng KCN lần lượt đóng góp 20% và 57% cho tổng lợi nhuận gộp của PHR.
Trong năm 2020, VCSC dự báo doanh thu giảm 16% YoY còn 1,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, dự báo LNST sau lợi ích CĐTS tăng mạnh 111% YoY đạt 948 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản thu nhập khác trị giá 864 tỷ đồng, đến từ khoản thu cho việc chuyển đổi đất cao su cho dự án KCN Nam Tân Uyên Mở rộng (giai đoạn 2) – cũng được biết đến với tên KCN NTU3.
Trong năm 2021, VCSC dự báo LNST sau lợi ích CĐTS đạt 1 nghìn tỷ đồng (+8,5% YoY) đến từ khoản thu cho việc chuyển đổi đất cao su cho KCN VSIP III trị giá 898 tỷ đồng. Tuy nhiên, giả định LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 sẽ giảm còn 788 tỷ đồng (-23% YoY) do dự kiến không ghi nhận khoản thu nhập từ chuyển đổi đất nào, phần nào được bù đắp bởi đóng góp từ KCN Tân Lập I.
VCSC cho rằng PHR là công ty hưởng lợi chính từ nhu cầu đất KCN tăng mạnh tại tỉnh Bình Dương nhờ quỹ đất cao su của công ty có kết nối tốt với mạng lưới hạ tầng giao thông hiện tại.
Dù dựa theo dự báo thận trọng hơn của chúng tôi so với kế hoạch chuyển đổi đất của công ty, VCSC cho rằng định giá của PHR khá hấp dẫn khi ước tính công ty có định giá theo mô hình tổng của từng phần (SoTP) ở mức 64.700 đồng/cp.