Chuyện về những đại gia Việt 'đứt ruột' rời bỏ công ty sáng lập

Trước câu chuyện rời Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương, trên thương trường Việt Nam đã có đại gia Đặng Văn Thành đã “đứt ruột” rời bỏ Sacombank - đứa con do mình gầy dựng ngay từ thuở ban đầu.

Chia tay Sacombank, ông Đặng Văn Thành dấn thân sang mảng kinh doanh mới

Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960, giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank từ ngày 15/7/1995 và là người có công lớn trong việc đưa nhà băng thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn và uy tín tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2011 của Sacombank ngày 26/5/2012, ông Thành đã có bài phát biểu chuyển giao trách nhiệm quản trị và điều hành Sacombank.

Trước đó, tin đồn về việc Sacombank bị "thâu tóm" bắt đầu nổ ra vào tháng 7/2011. Trước nguy cơ ngân hàng rơi vào tay một nhóm cổ đông, gia đình ông đã dùng nhiều phương án phòng thủ để ngăn chặn thâu tóm từ đối thủ. Cũng khi đó, xuất hiện hàng loạt động thái mua bán hàng chục triệu cổ phiếu STB xuất phát từ các công ty của người nhà ông Thành.

Nhóm thâu tóm mới chính thức lộ diện vào tháng 2/2012 khi Chủ tịch Eximbank lúc đó là ông Lê Hùng Dũng tuyên bố đã nắm trong tay số cổ phiếu đại diện cho 51% vốn điều lệ ngân hàng và đưa ra yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo Sacombank. Cuối cùng những nỗ lực của ông Thành đã không thành công.

Chuyen ve nhung dai gia Viet 'dut ruot' roi bo cong ty sang lap
 Ông Đặng Văn Thành.

Cuộc thâu tóm dần hạ màn vào tháng 5/2012 và kết thúc bằng cuộc họp đại hội cổ đông của ngân hàng này hôm 26/5. Theo đó, dù vẫn làm Chủ tịch HĐQT nhưng ông Thành không còn là đại diện pháp luật của Sacombank.

Sau ĐHĐCĐ, ông Thành cũng đã ủy quyền quản trị Sacombank cho ông Phạm Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT vì lý do cá nhân. Đến ngày 2/11/2012, ông Thành thôi chức Chủ tịch. Sau đó, ông cùng con trai buộc phải rời ngân hàng. Tuy nhiên, cùng với những thành viên khác trong gia đình, ông tiếp tục thành công trong các lĩnh vực sản xuất khác.

Vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng, tới khi chuyển giao sau khi bị thâu tóm năm 2012, mạng lưới của Sacombank là 417 chi nhánh, hoạt động ở 3 quốc gia và có 9 công ty con trong nhiều lĩnh vực. Vốn điều lệ lúc đó lên tới 10.000 tỷ, tổng tài sản là 146.000 tỷ và lợi nhuận hàng năm cũng đạt khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đang trong giai đoạn khởi sắc nhưng sau khi bị thâu tóm, Sacombank có dấu hiệu xuống dốc nhanh chóng với mức doanh thu năm 2016 là 5.119 tỷ đồng và lợi nhuận 373 tỷ đồng. Đầu năm 2017, NHNN thông báo đưa Sacombank, DongABank cùng với 3 ngân hàng “0 đồng” vào diện tái cơ cấu và tập trung xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Giá trị nợ xấu nội bảng của nhà băng này là 13.745 tỷ đồng, tương đương 6,9% tổng dư nợ. Tuy nhiên, nếu cộng cả số đã bán cho VAMC và một số khoản phải thu từ Southernbank thì ước tổng giá trị nợ xấu tại nhà băng này lên xấp xỉ 60.000 tỷ đồng.

Trong động thái gần đây nhất, ông Đặng Văn Thành bất ngờ có mặt và phát biểu tại lễ kỷ niệm 28 năm thành lập Sacombank tối 20/12/2019 với tư cách người sáng lập.

Ông cho rằng, trong 28 năm hình thành và phát triển của Sacombank, có một giai đoạn ngắn nhà băng này bị chững lại do "sự thôn tính không chuyên nghiệp".

Nhưng sau bao nhiêu "sóng gió", ông thấy vui mừng khi giờ Sacombank đã phần nào vượt qua được những khó khăn nội tại để dần phục hồi và phát triển chỉ sau chưa đầy ba năm. Ông cho biết "rất mừng" khi Sacombank đã tái cơ cấu đúng hướng.

"Khi thấy thích hợp, tôi sẵn sàng tham gia thị trường ngân hàng. Vì tôi luôn quan niệm rằng, đã là doanh nhân, khi có điều kiện và có thể đóng góp được gì cho đất nước, cho xã hội thì sẵn sàng làm", ông Thành chia sẻ.

Tuy vậy, việc ông Thành có thể trở về đồng hành và phát triển Sacombank hay không là một ẩn số.

Ông Nguyễn Bá Dương sau khi rời Coteccons tiếp tục với đế chế ngành xây dựng

Ông Nguyễn Bá Dương là người sáng lập và điều hành Coteccons kể từ năm 2004, ban đầu giữ vị trí Tổng Giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT Coteccons. Trong hơn 17 năm lãnh đạo, ông đã cùng đội ngũ của mình đạt được nhiều dấu mốc quan trọng, góp phần khẳng định vị thế Công ty xây dựng số 1 Việt Nam.

Chuyen ve nhung dai gia Viet 'dut ruot' roi bo cong ty sang lap-Hinh-2
Ông Nguyễn Bá Dương.

Năm 2004, ông Nguyễn Bá Dương chính thức giữ vị trí Chủ tịch HĐQT cho đến hiện nay. Sau cổ phần hóa, Coteccons có số vốn điều lệ chỉ 15,2 tỷ đồng, khi Coteccons niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào đầu năm 2010, vốn điều lệ đã tăng lên tới 307,5 tỷ đồng, tức gấp 20 lần.

Hiện tại, sau nhiều đợt tăng vốn, vốn điều lệ của Coteccons đã đạt 792,5 tỷ đồng. Tổng tài sản của Coteccons tính đến thời điểm 30/6/2020 là 15.006 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 8.471 tỷ đồng.

Trong một thập kỷ trước đó, Coteccons đã thu được kết quả kinh doanh khá khởi sắc so với các doanh nghiệp cùng ngành khi có sự xuất hiện của cổ đông ngoại Kusto Group.

Sau khi được bổ sung nguồn tiền từ phát hành vốn cho Kusto, doanh thu Coteccons cũng ghi nhận đà tăng trưởng nhanh, từ trên 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2011-2012 lên tới hơn 27.000 tỷ đồng vào năm 2017, gấp 6 lần sau 5 năm.

Tăng trưởng doanh thu trung bình của nhà thầu xây dựng này giai đoạn 2013-2017 cũng lên tới 45%/năm. Cùng với đó, tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm giai đoạn này là 54%/năm.

Trong đó, lợi nhuận đã tăng đột biến vào năm 2015-2016 với mức tăng gấp đôi mỗi năm.

Tuy vậy, câu chuyện mâu thuẫn cứ âm ỉ diễn ra tại Coteccons. Đỉnh điểm mâu thuẫn nội bộ tại Coteccons là thời gian trước ĐHĐCĐ thường niên 2020, theo đó sau 8 năm gắn bó, từ mối quan hệ "đối tác chiến lược", Kusto và Coteccons chuyển sang "đối đầu", chủ yếu vì những bất đồng về Ricons (công ty thành viên của Coteccons).

Kết thúc cho sự việc này là lá đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Bá Dương kể từ ngày 2/10. Theo đó, người lên “ghế nóng” đó chính là đại diễn của nhóm Kusto - ông Bolat Duisenov.

Diễn biến sau đó loạt nhân sự thân cận của ông Dương cũng rời đi như ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC).

Chủ tịch Hiệp hội bày tỏ cách hành xử không phù hợp trên chắc chắn sẽ khiến hàng loạt những nhân sự gắn bó với ông Dương xây dựng Coteccons sẽ phải cân nhắc việc đi hay ở. Đồng thời, các tổ chức thương hiệu Việt Nam khác cũng sẽ phải cân nhắc về cách thức phát hành tăng vốn để tránh tình cảnh "mất" công ty.

Trước khi rời khỏi Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương đã chuẩn bị “hành trang” đầy đủ và thuận lợi. “Hành trang” này có thể gọi là “hệ sinh thái Nguyễn Bá Dương”, thời gian qua không ít lần cản đà tăng trưởng của Coteccons: Tập đoàn Đầu tư xây dựng Ricons, Đầu tư Xây dựng Newtecons, Xây dựng Dcons,…

Như vậy, có thể thấy ông Nguyễn Bá Dương sẽ tiếp tục đi theo ngành nghề tương tự mà Coteccons đang thực hiện.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN