Chốt lãi GMD ở mức 26.700 đồng/cp
CTCK BSC (BSI): GMD vẫn đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá từ đầu tháng 8 đến nay sau giai đoạn điều chỉnh vào tháng 7. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần.
Phiên 10/9, lực cầu tăng cao đã đẩy giá GMD vượt qua vùng cản tại khu vực 22.500-23.000 đồng/cp. Các chỉ báo xu hướng hiện đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của cổ phiếu.
Bên cạnh đó, dù cho chỉ báo động lượng RSI đã đi vào vùng quá mua nhưng đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên GMD vẫn có thể sẽ duy trì đà tăng trong thời gian tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại khu vực xung quanh 21.500 đồng/cp. Mục tiêu chốt lãi của GMD nằm tại mức 26.700 đồng/cp, cắt lỗ nếu ngưỡng 20.500 đồng/cp bị xuyên thủng.
Khuyến nghị khả quan cho TDM với giá 28.500 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) đã công bố thông tin sẽ đăng ký mua thêm 14,4 triệu cổ phiếu của CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (BWE) trong giai đoạn 11/09-10/10, thông qua giao dịch khớp lệnh, thỏa thuận và đấu giá công khai nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu 38,5%.
VCSC lưu ý rằng BWE sẽ phát hành 37,5 triệu cổ phiếu (khoảng 25% cổ phiếu lưu hành hiện hữu) trong 1 đợt thông qua đấu giá công khai vào ngày 6/10. Giá khởi điểm ban đầu cho lượng cổ phiếu mới phát hành mới mà 25.500 đồng/cp.
VCSC hiện có khuyến nghị khả quan dành cho TDM với giá mục tiêu 28.500 đồng/cp, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng, bao gồm lợi suất cổ tức 5%.
|
Cổ phiếu nào được khuyến nghị phiên 11/9? |
Khuyến nghị khả quan cho ACV với giá 61.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Khuyến nghị khả quan cho ACV dù giảm giá mục tiêu theo mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF) thêm 10% còn 61.000 đồng/cp.
Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ mức giảm 28% trong giả định tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2023 khi dự báo số lượng hành khách trong nước/quốc tế sẽ phục hồi về mức trước khi bùng phát dịch COVID-19 trong năm 2022/2023 so với kỳ vọng trước đây là 2021/2022.
Mức giảm trong giá mục tiêu phần nào được bù đắp bởi việc kéo dài mô hình định giá DCF cho ACV sang năm 2034 so với năm 2030 trước đây, phản ánh đầy đủ hơn tiềm năng tăng trưởng từ sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 2 trong dự báo và mô hình định giá.
Điều chỉnh trong giả định lợi nhuận của VCSC phản ánh quan điểm kém khả quan hơn của chúng tôi về triển vọng phục hồi của thị trường hàng không Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID19 diễn biến không đồng đều trên thế giới và tác động tiêu cực từ dịch bệnh đến chi tiêu cho hoạt động du lịch.
VCSC dự báo doanh thu đạt 7,7 nghìn tỷ đồng (-58% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (-80% YoY) trong năm 2020. KQKD này chủ yếu do mức giảm 74% YoY trong lượng hành khách quốc tế - nguồn đóng góp chính cho lợi nhuận cốt lõi của ACV.
Kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 từ mức cơ sở thấp với doanh thu đạt 15 nghìn tỷ đồng (+93% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (+223% YoY). Giả định lượng hành khách trong nước/quốc tế thấp hơn 8%/21% con số ghi nhận trong năm 2019.
Các thách thức từ dịch COVID-19 có thể tạo ra điểm tích lũy hấp dẫn cho cổ phiếu ACV. Dù lợi nhuận giảm, VCSC cho rằng ACV có thể duy trì năng lực tài chính ổn định – bất chấp dịch COVID-19 tiếp tục vượt dự báo của chúng tôi – khi ACV có số dư tiền mặt ròng đạt 19 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2020 trong khi chi phí phi tiền mặt của công ty chiếm khoảng 38% tổng chi phí năm 2019.
Rủi ro: vốn XDCB cao hơn dự kiến, trì hoãn mở rộng công suất cảng hàng không có thể hạn chế tăng trưởng lưu lượng hành khách, các lệnh hạn chế đi lại kéo dài, lỗ tỷ giá từ nợ bằng JPY.