Chiều 28/6, CTCP Chứng khoán VNDirect (VNDirect – HoSE: VND) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm 2024 lần 2 với sự tham gia của 419 cổ đông, theo Ban kiểm phiếu, đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Trước đó, vào chiều 17/6, ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần thứ nhất của Chứng khoán VNDirect đã không đủ điều kiện tiến hành do chỉ có 567 cổ đông tham dự họp trực tiếp và ủy quyền, đại diện chưa tới 50% tổng số phiếu biểu quyết. Ở lần họp thứ 2, túc số cần thiết để phiên họp thường niên của VNDirect có thể tiến hành là các cổ đông và đại diện được ủy quyền dự họp đại diện cho tối thiểu 35% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 6.562 tỷ đồng, giảm 6% so với 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế vẫn tăng 44% so với năm trước lên mức 2.482 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 2.022 tỷ đồng, cũng tăng 48% so với năm 2022.
Quý đầu năm, VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động 1.385 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế tăng mạnh 339% so với quý I/2023, lên mức 617 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động tự doanh. Với kết quả đạt được, CTCK này đã thực hiện hơn 30% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tại đại hội lần 2 này, VNDirect thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu cho vay ký quỹ (margin) đạt 1.365 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ thị trường vốn dự kiến giảm 39% xuống 1.897 tỷ đồng; doanh thu môi giới chứng khoán dự kiến giảm 17% xuống 720 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, lãi ròng kế hoạch 2.020 tỷ đồng. Mục tiêu này dựa trên dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.320-1.350 điểm vào cuối năm 2024.
Ngoài ra, HĐQT VNDirect cũng trình AGM năm 2024 loạt phương án chào bán, phát hành cổ phiếu đã được thông qua tại AGM 2023 nhưng chưa được triển khai. Cụ thể, công ty dự kiến chào bán 286,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho tối đa 10 nhà đầu tư chuyên nghiệp.
VNDirect cho biết mục đích huy động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động để mở rộng năng lực cho vay ký quỹ của khách hàng, năng lực kinh doanh nguồn vốn, năng lực bảo lãnh phát hành trái phiếu, năng lực phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm, bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, VNDirect cũng đề xuất chào bán 30 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/CP và phát hành 15 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2024 đến 2026.
Hiện, VNDirect đang triển khai phương án phát hành 304,5 triệu cổ phiếu, bao gồm: 60,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 (tỷ lệ 5%) và chào bán 243,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 5:1). Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng từ mức 12.178,4 tỷ đồng lên 15.223 tỷ đồng.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, ban lãnh đạo VNDirect đề xuất chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng.
Phần thảo luận:
Cổ đông: Nếu Trung Nam Group bị phá sản, VNDirect bị ảnh hưởng như thế nào?
Bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT VNDirect: Chắc chắn là không bị ảnh hưởng, vì trước khi làm gì chúng tôi đều có tính toán. Hiện nay Trung Nam chủ yếu làm về các dự án điện và đã phát điện. Với chúng tôi, rủi ro của Trung Nam không phải là rủi ro tài chính, chúng tôi luôn cập nhật với lãnh đạo Trung Nam và liên tục có kịch bản đánh giá rủi ro có thể xảy ra. Lúc đó chọn Trung Nam vì chúng tôi tin vào năng lực phát triển điện và triển khai dự án của doanh nghiệp này.
Tóm lại, những tin đồn trên thị trường về Trung Nam rất nhiều, song chúng tôi đều có kịch bản cũng như bài toán dự phòng.
Giá cổ phiếu VND liên tục giảm, ban lãnh đạo sẽ làm gì để cải thiện?
Ông Nguyễn Vũ Long – CEO VNDirect: Đến thời điểm hiện tại, sau 6 tháng đầu năm lãi trước thuế của công ty đạt hơn 1.300 tỷ đồng, đạt hơn 50% kế hoạch, trong đó tháng 4 bị lỗ do bù chi phí cho khách hàng sau sự cố hacker tấn công hệ thống. Thời gian qua chúng tôi dành thời gian hồi phục, đảm bảo hệ thống an toàn tốt hơn.
Thời gian gần đây, cổ phiếu VND của CTCP Chứng khoán VNDirect đã liên tục lao dốc. Tính từ đầu năm đến nay, mã này đã giảm 17,6% từ vùng giá 19.500 đồng/CP xuống 16.050 đồng/CP khi kết phiên ngày 28/6.
Diễn biến cổ phiếu VND trên sàn bị ảnh hưởng bởi những thông tin như sự cố hệ thống, trái phiếu Trung Nam. Hiện VND có định giá thấp hơn các cổ phiếu cùng ngành. Tuy chưa đạt được kỳ vọng của cổ đông song chúng tôi cam kết nỗ lực tối đa, duy trì hiệu quả tài chính, phản ánh đúng giá trị của VND.
Bà Phạm Minh Hương: Tôi bất ngờ vì cổ phiếu VND tệ trong ngành chứng khoán. Cổ phiếu VND bao trùm bởi rủi ro của Trung Nam. Thị trường chứng khoán là thị trường tin đồn, nhà đầu tư dựa vào tin đồn để chọn cổ phiếu. Chính vì vậy cổ phiếu VND ảnh hưởng ít nhiều bởi tin đồn.
Công ty có kế hoạch gì nửa cuối năm?
Ông Nguyễn Vũ Long – CEO VNDirect: Sau 6 tháng công ty đã hoàn thành hơn 50% mục tiêu lợi nhuận đề ra. Dù vẫn còn nhiều biến số thách thức, song chúng ta đã chuẩn bị các kịch bản, do vậy công ty tự tin hoàn thành kế hoạch.
Thời điểm khó khăn của công ty đã qua chưa?
Ông Nguyễn Vũ Long: 3 năm qua, chúng ta đã trải qua nhiều thách thức như thị trường trái phiếu hay câu chuyện hacker, tuy nhiên, theo góc nhìn của ban điều hành thì trong kinh doanh luôn phải đối mặt với khó khăn, yếu tố bất ngờ, nhưng qua đó có thêm bài học. Ví dụ, sự cố tấn công hệ thống đã được phản ánh trong kết quả kinh doanh, sự cố xảy ra một mặt bị ảnh hưởng KQKD, song một mặt chúng ta nhận ra được vấn đề của mình, đồng thời đã kết nối với nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.
Vì sao VNDirect tăng vốn trong giai đoạn này?
Bà Phạm Minh Hương: VNDirect sẽ chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) là bởi trong môi trường nhân sự khan hiếm thì gắn kết nhân viên vào tổ chức rất quan trọng. VNDirect có quy mô lớn, điều này cũng đòi hỏi năng lực nhân sự cao hơn.