Từ Q1/2023, Việt Nam đã chuyển dịch chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn" nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết, tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành với tổng mức cắt giảm 150 điểm cơ bản, đưa lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn xuống lần lượt là 3% và 4,5%; trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống mức 4,75%.
Theo đó, lãi suất huy động của các NHTM giảm mạnh từ 200 - 300 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn. Tính đến cuối năm 2023, hầu hết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM đều ở dưới mức 6%; các NHTM lớn đều đưa lãi suất này về mức xấp xỉ 5% - 5,25%, thấp hơn cả giai đoạn 2020 - 2021 (Covid-19).
Tại báo cáo phân tích vừa được công bố, Chứng khoán MBS cho rằng việc lãi suất đầu vào giảm sâu cũng xuất phát từ nguyên nhân cầu tín dụng thấp. Tính đến cuối tháng 11/2023, dư nợ tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 9,15% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng 13,8% cùng kỳ năm ngoái, cũng như còn cách khá xa so với mục tiêu 14% mà NHNN đặt ra cho cả năm. Cầu tín dụng thấp cho thấy năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn hạn chế, doanh nghiệp và người dân chưa lạc quan về triển vọng kinh tế cũng như lãi suất cho vay còn neo ở mức cao chưa kích thích nhu cầu sử dụng vốn.
MBS cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong Q1/2024 và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024. Trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng tích cực hơn ở mức 6 - 7%, đầu tư và tiêu dùng đều khởi sắc trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, MBS cho rằng nhu cầu sử dụng vốn sẽ quay trở cân bằng với tình trạng dư thừa thanh khoản hiện nay. MBS dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 13 -14%.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, áp lực tăng lên lãi suất không lớn do chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Mỹ hầu như đã chấm dứt. Với dự báo lãi suất điều hành của FED sẽ hạ xuống mức xấp xỉ 4% cuối năm 2024, áp lực lên tỷ giá không lớn, NH Nhà nước sẽ có dư địa để duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại. MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 25 – 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5% trong năm 2024.
|
Lãi suất huy động của các nhóm NH (%/năm) |
VND sẽ mạnh lên so với USD trong năm 2024
Sau giai đoạn bình ổn trong nửa đầu năm 2023, áp lực tỷ giá tăng dần từ tháng 7/2023 nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đồng USD mạnh lên. Trong bối cảnh, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất với tổng mức tăng 150 điểm cơ bản trong năm 2023, NHTW các nước Châu Á, mà đại diện là Trung Quốc, Nhật Bản,... liên tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Các nhà đầu tư lo ngại sự phân cực ngày càng lớn giữa chính sách tiền tệ các nước đã chuyển sự chú ý sang đồng USD, khiến chỉ số sức mạnh đồng đô (DXY) tăng vọt, đã có lúc đạt 107 điểm trong tháng 10/2023.
Khi Việt Nam chuyển sang chính sách tiền tệ linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng từ cuối quý 1/2023, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD càng lớn dẫn đến tỷ giá liên ngân hàng, tỷ giá trung tâm và tỷ giá tự do đều vượt mức 24.000 đồng. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá dần hạ nhiệt trong tháng 12 khi Fed xác nhận lãi suất có thể đã đạt đỉnh và phát đi tín hiệu về các đợt cắt giảm trong năm 2024. Tính đến giữa tháng 12/2023, tỷ giá liên ngân hàng VND/USD đã tăng khoảng 3% so với đầu năm và giảm 1,4% so với đỉnh. Tuy nhiên, so với một số đồng tiền khác trong khu vực, diễn biến VND vẫn khá ổn định trong năm 2023.
Bước sang năm 2024, trong bối cảnh lạm phát của Mỹ cải thiện đồng nghĩa với việc tăng khả năng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến, điều này sẽ hạn chế mức tăng của đồng đô la Mỹ (hiện tại đồng USD Index đã giảm 3,5% so với đỉnh 2023). Chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu nới lỏng, đồng đô la Mỹ có xu hướng mất giá trên diện rộng và sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong nước.
MBS cho rằng, tỷ giá năm 2024 sẽ dao động trong vùng 23,800 – 24,300 VND/USD và vẫn tiếp tục sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố bao gồm thặng dư thương mại tuy nhiên sẽ có thể không còn tốt như bây giờ khi xuất nhập khẩu sẽ phục hồi, giải ngân FDI tích cực, lượng kiều hối ổn định (IMF dự báo lượng kiều hối trong năm 2024 lên hơn 110 tỷ USD), du lịch quốc tế hồi phục mạnh,...
|
Diễn biến tỷ giá VND/USD |