Chỉ 10% trái cây vào được siêu thị, siêu thị “chê” trái cây Việt?

Trong khi các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ mới góp 10% nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi nội địa.
Sáng nay 6.12, tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất xuất khẩu trái cây tổ chức ở Tiền Giang, ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, thời gian qua, những nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu tốt cho chế biến xuất khẩu đã góp phần hình thành được nhiều vùng quả tập trung. Có thể kể đến như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), thanh long (Bình Thuận), vải thiều (Bắc Giang, Hải Dương), nho (Ninh Thuận), bưởi năm roi (Vĩnh Long)…
Việt Nam đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu trái cây xuất khẩu lớn. 
Tuy vậy, diện tích các vùng chuyên canh còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích hơn 857.000ha cây ăn quả hiện có trên cả nước, phần lớn diện tích vẫn là vườn tạp, phát triển theo quy mô hộ gia đình.
Việc quy hoạch chưa có trọng tâm, chưa tập trung tối ưu để tạo ra những vùng sản xuất có tính cạnh tranh là nguyên nhân khiến xuất khẩu trái cây chưa ổn định. Số vùng chuyên canh còn quá ít nên khi khách hàng cần sản lượng lớn, thời gian giao hàng ngắn thì khó có thể thu gom đủ. Ngoài ra, do giống và quy trình chăm sóc không đồng đều, nguồn nguyên liệu lại không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng chế biến.
Bộ NNPTNT cũng nhận định, bức tranh xuất khẩu đang rất sáng sủa nhưng ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Các hàng rào kỹ thuật trong kiểm dịch thực vật dựng lên rất nhiều nhằm thay thế hàng rào thuế quan trong thương mại quốc tế khiến việc đàm phán xuất khẩu rất khó khăn, kéo dài nhiều năm trời.
Việc tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng chưa tốt, có đến 90% sản lượng trái cây tiêu thụ trong nước qua kênh chợ truyền thống, thương lái, bán lề đường… khiến giá thành đội lên trong khi giá trị gia tăng chưa nhiều.
Trong khi đó, các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, việc tiêu thụ trái cây trong nước còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được 10% sản lượng tiêu thụ của người tiêu dùng tại các thành phố lớn.
Ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, cây ăn quả là cây trồng chủ lực của Tiền Giang. Tuy nhiên, việc liên kết giữa các thành phần trong chuỗi giá trị chưa tốt, từ đầu vào đến đầu ra. Đây cũng là “vấn đề lớn” đối với ngành nông nghiệp hiện nay.
Tại Tiền Giang, có đến 98% sản lượng trái cây nhà vườn phải bán cho thương lái, chỉ có 2% được bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các thương nhân phân loại bán cho 3 đối tượng, gồm công ty xuất khẩu, chợ đầu mối và người bán lẻ.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, với hơn 600 đại biểu, từ các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và gần 200 nông dân trồng cây ăn trái tại các tỉnh, đây là hội nghị chuyên đề về trái cây đông nhất trong nước trong thời gian qua, thể hiện tính hấp dẫn, vai trò cũng như tính thời sự của ngành này.
Ông Doanh cho biết, trái cây là sản phẩm nông nghiệp có mức tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây, thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
FAO đánh giá, nhu cầu tiêu thụ rau quả, cả tươi và chế biến, trên thị trường thế giới dự báo đang tăng tích cực, mức tăng trưởng cao hơn so với sản xuất toàn cầu. Dân số thế giới và thu nhập tăng khiến nhu cầu rau quả tươi và giá rau quả ngày càng cao. Đặc biệt, nhu cầu và khả năng cung ứng các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (có chứng nhận chất lượng) đang tăng nhanh chóng.
Dự kiến, trong năm 2017, rau quả Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch từ 3,5 -3,6 tỷ USD, tăng 41 – 48% so với năm 2016. Đây là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh trong những năm gần đây, bình quân mức tăng trưởng đạt 32,2%/năm trong giai đoạn 2011-2016.
Theo Thuận Hải/Dân Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN