Chặn hủy, sửa lệnh: Công ty chứng khoán và HOSE đều phạm luật?

Quy chế giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM ban hành năm 2018 hiện đang được áp dụng khẳng định: Nhà đầu tư được phép hủy, sửa lệnh.
Cụ thể, Điều 17, Quy chế giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM ban hành năm 2018 nêu rõ: Trường hợp thành viên sử dụng hệ thống nhập lệnh tại sàn, khi nhập sai lệnh trong thời gian khớp lệnh định kỳ, đại diện giao dịch được phép sửa lệnh giao dịch bằng cách hủy lệnh sai, nhập lại lệnh đúng, nhưng phải xuất trình bản sao lệnh gốc của khách hàng và được Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM chấp thuận.
Việc sửa lệnh giao dịch có hiệu lực khi lệnh chưa được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện.
Thành viên được phép hủy lệnh chưa thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện trong thời gian khớp lệnh liên tục khi khách hàng yêu cầu.
Như vậy Quy chế của HOSE đã quy định rõ nhà đầu tư được phép hủy, sửa lệnh. Do hệ thống giao dịch trực tuyến nên hiện nay nhà đầu tư trực tiếp thực hiện các lệnh hủy, sửa và gửi qua hệ thống của các CTCK.
Trước đây, các công ty chứng khoán đều cho phép nhà đầu tư hủy, sửa lệnh trên HOSE, nay để hỗ trợ HOSE tránh sập sệ hệ thống, các CTCK lớn được kêu gọi chặn hủy, sửa lệnh.
Cuối tuần trước, UBCKNN đã triệu tập cuộc họp các CEO của các công ty chứng khoán giữ thị phần gần 70% trên thị trường, trong đó nội dung chính của cuộc họp theo chia sẻ của các CEO là kêu gọi các CTCK ủng hộ giải pháp chặn, hủy sửa lệnh trên HOSE. Như vậy dù không chính thức công bố cấm hủy, sửa lệnh nhưng UBCKNN đã gián tiếp thực hiện việc cấm, hủy sửa lệnh trên HOSE.
Trong lịch sử của TTCK Việt Nam, chưa bao giờ có việc cấm hủy, sửa lệnh giao dịch.
Trong khi các công ty chứng khoán lớn chặn hủy, sửa lệnh của nhà đầu tư hiện vẫn có những công ty chứng khoán nhỏ cho phép hủy, sửa lệnh. Tình trạng này khiến thị trường mất tính công bằng, vi phạm nguyên tắc vận hành của TTCK.
Vấn đề nguy hiểm hơn với thị trường hiện nay là việc ngừng hủy sửa lệnh khiến cung cầu thị trường bị bóp méo, người muốn mua không thể mua được cổ phiếu, người muốn bán không thể bán được cổ phiếu, trong khi 2 bên vẫn có nhu cầu giao dịch. Hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng có thể bị treo trong từng phiên giao dịch. Hàng triệu cổ phiếu không thể đến tay nhà đầu tư có nhu cầu. Tâm lý nhà đầu tư bị ức chế, dẫn đến giao dịch thiếu sáng suốt và thua lỗ khi phải dùng lệnh thị trường để bán mua bằng mọi giá.
Theo ý kiến của một luật sư, các nhà đầu tư trong trường hợp này có thể chọn tổ chức đại diện cho mình để kiện các công ty chứng khoán, HOSE và thậm chí cả UBCKNN khi quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Tin nhanh chứng khoán

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN