Đó là những chia sẻ của ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế TP.HCM năm 2019.
Được biết, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết vào tháng 6/2019, các doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu sẽ đạt 2 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của ngành thủy sản. Tuy nhiên, việc chậm thực thi của Hiệp định EVFTA khiến kế hoạch này chưa thực hiện được.
Cũng theo ông Trương Đình Hòe, năm 2020, ngành thủy sản tiếp tục theo đuổi kế hoạch xuất khẩu vào thị trường châu Âu vẫn là 2 tỷ USD từ kỳ vọng triển khai EVFTA. Hiện nay, 4 thị trường chính xuất khẩu thuỷ sản đều đạt 1,5 tỷ USD, dẫn đầu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu.
Ông Hòe cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này cần quan tâm đến các lộ trình giảm thuế của EVFTA. Theo đó, doanh nghiệp cần nắm rõ mặt hàng nào sẽ giảm thuế, mặt hàng nào sẽ duy trì thuế và mặt hàng nào chu kỳ giảm thuế trong 3 - 5 năm để tạo lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn, thuế có thể giảm về 0% ngay đối với mặt hàng tôm nên tôm có khả năng xuất khẩu sẽ tốt hơn...
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, chuẩn bị kỹ đảm bảo không có liên quan đến các vấn đề gian lận để được hưởng thuế xuất ưu đãi.
Thiết lập các kênh để đạt được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường châu Âu; nghiên cứu cập nhật các xu hướng thân thiện môi trường, các vấn đề liên quan sở hữu trí tuệ và sử dụng lao động…
Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ thông tin thêm, quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển rất nhanh chóng từ năm 2000 đến năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 13,6 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,77 tỷ USD năm 2018.
EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ (số liệu năm 2018). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,9 lần và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 10 lần.