Chăm cây dại, dân Thủ đô bất ngờ kiếm cả tỷ

Từng là một cây dại mọc trong rừng, song nhiều hộ dân ở Thủ đô đã có thu nhập hàng trăm  đến hàng tỷ đồng/năm từ cây phật thủ.
 Bà Tình đang chăm sóc phật thủ để chuẩn bị cắt bán cho khách vào dịp Tết Nguyên Đán 2018.
Nằm trong số các hộ có thu nhập tiền tỷ từ cây phật thủ ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, gia đình bà Nguyễn Thị Tình hiện có gần 2 mẫu cây "bàn tay phật", trung bình mỗi năm trang trại của bà Tình đưa ra thị trường Tết hàng trăm quả phật thủ thuộc hàng cao cấp với giá tiền hàng trăm nghìn đồng/quả.
Theo bà Tình, sở dĩ có tên gọi là cây phật thủ bởi cây cho ra loại quả có những hình ngón tay giống ngón tay Phật. Quả cây dùng để làm cảnh, thờ cúng. Từ khi ngắt khỏi cây, quả có thể giữ nguyên vẹn màu sắc suốt 4-5 tháng.
Bà Tình cho biết, để có được những vườn cây phật thủ quả đẹp, nhiều ngón, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, việc chăm sóc cây rất tỉ mỉ.
 Theo bà Tình, hiện nhiều người vẫn băn khoăn không biết trồng cây gì để bán Tết, theo tôi nếu bà con có đất tốt nên trồng thử phật thủ và nghiên cứu kỹ cách trồng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.
“Người chăm cây phải yêu và hiểu nó mới gắn bó được. Như việc bón phân cũng phải theo định kỳ, không bón ồ ạt được. Phật thủ là họ hàng của cam, bưởi. Phật thủ ra hoa, kết trái quanh năm. Từ tháng Giêng sau khi thu hoạch quả, người trồng phải vệ sinh vườn tược và bón xới vườn, bón phân hữu cơ và phân hóa học cân đối để cây có sức sống khỏe. Người ta cũng có những kỹ thuật đặc biệt như: vít cành hay phun hỗ trợ cho cây ra hoa và kết trái, chín rộ vào dịp Tết" - bà Tình nói.
 
Ngoài ra, theo bà Tình, khi trồng và chăm sóc phật thủ, bà con phải thường xuyên giữ độ ẩm phù hợp cho cây, không để cây khô quá, không để cây ẩm quá. Đặc biệt, lúc giữ quả cho Tết người chủ vườn không tưới nhiều quá, nếu không cây sẽ nhanh chín quả.
Cũng theo bà Tình, nếu có kỹ thuật canh tác tốt thì mỗi cây phật thủ cho từ 70 đến 100 quả/năm. Giá bán mỗi quả phật thủ rẻ nhất cũng 40.000 đồng đến 50.000 đồng. Những quả đẹp, có ngón dài, nhiều tầng lớp đều đặn có giá hàng triệu, thậm chí có quả bán được gần chục triệu đồng.
 Do vườn phật thủ sai trĩu quả nên bà Tình phải dùng các cây tre, gỗ để chống tránh cây bị đổ.
Theo anh Tạ Văn Phúc - Chủ tịch Hội Sản xuất kinh doanh phật thủ xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, từng là một cây mọc dại trong rừng được bà con miền núi đưa về trồng làm cảnh cho đẹp, song đến nay sau nhiều năm đưa về Thủ đô trồng và nhân giống, Phật thủ đang trở thành cây làm giàu cho bà con một số xã của huyện Hoài Đức.
Nói về thu nhập từ loại cây dại này, ông Phúc cho rằng: "Với mỗi mẫu ruộng trồng phật thủ, có gia đình ở Đắc Sở thu được hơn 1 tỷ, nhà trung bình 700-800 triệu đồng, nhà ít cũng thu được 100-200 triệu đồng/năm là chuyện bình thường".
 
Theo người trồng phật thủ ở Đắc Sở, hiện, thị trường phật thủ chủ yếu được tiêu thụ chính ở miền Bắc và các tỉnh trong cả nước. Ngoài ra, các quả phật thủ loại nhỏ được lái buôn thu mua sấy khô xuất sang Trung Quốc.
Theo ông Phúc, chỉ tính riêng hai năm đầu, khi thu hoạch lứa quả đầu tiên, nếu làm tốt cũng thu được khoảng 600 triệu đồng. Như vậy 1ha trồng phật thủ, nếu có kỹ thuật chăm sóc tốt lại khéo tay thì mỗi năm mang về nguồn thu 2 tỷ đồng.
Cũng theo ông Phúc, theo chu kỳ của loài cây này chỉ có năm năm nên hiện nay trên các cánh đồng trồng phật thủ ở quanh khu vực các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng... có đến 90% là do dân xã Đắc Sở trồng.
Theo Hải Đăng/Dân Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN