Các nhà băng tăng tốc 'đua' CASA: Ngân hàng nào đang dẫn đầu thị trường?

Năm 2021, dù lãi suất huy động duy trì ở mức thấp hơn 1-1,5% so với giai đoạn trước dịch, lượng tiền gửi tại một số ngân hàng vẫn tăng trưởng. Trong số 24 ngân hàng thống kê, MB là ngân hàng ghi nhận tăng tiền gửi lớn nhất gần 24%, ở mức 384.692 tỷ đồng. Theo sau, Kienlongbank tăng 22% lên 51.398 tỷ đồng, trong khi TPBank tăng 20% lên 139.562 tỷ đồng. Các đơn vị tiếp theo Nam A Bank, VietinBank, VIB, Techcombank... tăng 13-17%. 

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng giảm tiền gửi có thể điểm tới như NCB giảm 10%, xuống 64.520 tỷ đồng, ABBank giảm 6%, ở mức 67.840 tỷ đồng và SeABank giảm 3%. 

Tính chung, tổng tiền gửi tại các nhà băng tăng 11%, lên hơn 7,3 triệu tỷ đồng. 4 ngân hàng quốc doanh vẫn dẫn đầu về giá trị tiền gửi, trong đó BIDV giữ vững ngôi vương với gần 1,4 triệu tỷ đồng, theo sau là VietinBank và Vietcombank lần lượt 1,16 triệu tỷ đồng và 1,14 triệu tỷ đồng.

Xếp ngay sau nhóm quốc doanh, Sacombank là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm tư nhân với 427.387 tỷ đồng, không tăng so với năm trước nhưng vẫn cao hơn MB với 384.692 tỷ đồng.

Từ đầu năm, một số ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi tại một số kỳ hạn. Đơn cử, lãi suất tiết kiệm tại VPBank kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng tăng khoảng 0,3 - 0,7%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng khoảng 0,7 - 0,8%/năm. Đối với tiền gửi tiết kiệm online, lãi suất tại các kỳ hạn cao hơn khi gửi tại quầy khoảng 0,2 - 0,3%/năm. Nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng với sản phẩm Prime Savings, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tháng đầu tiên 12,2-12,4%/năm, các tháng sau đó là 6,1-6,2%/năm.

Techcombank cũng tăng lãi suất từ 0,4-0,5%/năm với hầu hết kỳ hạn từ ngày 7/2. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này là 5,8%/năm, tăng 0,4%/năm so với tháng trước. Ngân hàng có mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay là Nam A Bank. Cụ thể, ngân hàng này áp mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm cho các khoản tiền gửi online có kỳ hạn 16 - 36 tháng từ tháng 1.

Lãi suất ở mức thấp được cho nguyên nhân khiến một phần dòng tiền của người dân sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư có xu hướng chậm lại. Đồng thời, dịch bệnh cũng khiến người dân chuyển hướng dòng tiền qua các kênh đầu tư mang lại hiệu suất sinh lời cao hơn, trong bối cảnh việc làm bất ổn. 

Trong năm 2022, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research kỳ vọng, lãi suất tiền gửi sẽ chạm đáy và tăng trở lại phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Theo kịch bản cơ sở, lãi suất huy động sẽ tăng 20 - 25 điểm cơ bản trong nửa cuối năm.

Cac nha bang tang toc 'dua' CASA: Ngan hang nao dang dan dau thi truong?

Tiền gửi khách hàng tại một số ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %

Vietcombank, ACB bật khỏi top về tỷ trọng CASA

Trong vài năm gần đây, các ngân hàng bắt đầu chú trọng vào tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) như một cách để tối ưu chi phí vốn. Vừa qua, toàn bộ 4 ngân hàng quốc doanh đã miễn phí giao dịch chuyển khoản trong hệ thống với khách hàng - chiến lược mà Techcombank tiên phong triển khai và các ngân hàng tư nhân khác đã thực hiện để hút lượng tiền gửi thanh toán của dân cư. 

Sự thay đổi của tiền gửi không kỳ hạn cho thấy "sức nóng" của cuộc đua. Kienlongbank và BacABank là hai đơn vị cá biệt tăng CASA đột biến năm qua, lần lượt 486% và 116%, một phần do giá trị trong cơ cấu tương đối thấp.

Cac nha bang tang toc 'dua' CASA: Ngan hang nao dang dan dau thi truong?-Hinh-2

Tỷ trọng CASA tại các ngân hàng. Nguồn: BCTC.

Ở nhóm sau, VIB dẫn đầu về tăng trưởng CASA với 56%, đạt 27.953 tỷ đồng, đồng thời nâng tỷ trọng trong cơ cấu tiền gửi từ 12% lên 16%. VPBank, MB, VietCapital Bank và OCB ghi nhận mức 48-49%, trong khi TPBank tăng 45%, MSB tăng 38%. 

Với sự bứt phá của nhóm ngân hàng tư nhân trong tỷ trọng CASA, thứ hạng top đầu cũng có sự thay đổi. Techcombank vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với tỷ trọng CASA hơn 47%, với 147.861 tỷ đồng. Trong khi đó, MB giữ vị trí thứ hai với tỷ trọng 45%. Theo sau, MSB vượt qua Vietcombank, ACB - hai cái tên từng nằm trong top 3 với tỷ trọng 34%. 

Ở nhóm dưới, Sacombank, TPBank, BIDV... giữ tỷ trọng CASA ở mức 20-22%. 

Sự phát triển của thanh toán không tiền mặt là một trong những yếu tố thúc đẩy CASA của các ngân hàng. Do đó, những ngân hàng đầu tư công nghệ, giao dịch thuận tiện, miễn phí thanh toán được nhận định sẽ thu hút khách hàng. 

Để cạnh tranh thu hút người dùng, các ngân hàng miễn phí chuyển tiền. Một số ngân hàng yêu cầu khách duy trì số dư tối thiểu để được miễn phí dịch vụ như Vietcombank từng đưa ra ba gói ưu đãi giao dịch tùy theo số dư tài khoản (nhưng nay đã bỏ và miễn phí hoàn toàn) hay ABBank yêu cầu số dư bình quân mỗi tài khoản15 triệu đồng.

Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn dao động 0,2 - 0,5%/năm, đây là một nguồn vốn giá rẻ giúp các ngân hàng tối ưu hóa chi phí, cải thiện được tỷ lệ thu nhập lãi tuần. Việc có được nguồn vốn giá rẻ dồi dào mang lại lợi ích cho ngân hàng mà thông qua đó, khách hàng cũng sẽ được hưởng lợi từ lãi suất cho vay đầu ra thấp hơn.

Ưu thế là lãi rẻ hơn so với huy động có kỳ hạn, nhưng nhược điểm là khách có thể rút ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, để giữ được lượng CASA, các ngân hàng cần chú trọng hơn nữa chất lượng dịch vụ.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, người gửi tiền có thể rút tiền bất cứ lúc nào, nhất là nhu cầu thanh toán hiện nay tương đối sôi động, phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ nhiều hơn trong thời gian sắp tới, đơn cử, dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng số.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ CASA rất cao, thậm chí trên 50% là tín hiệu tích cực. Nhưng điều quan trọng hơn là sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng phù hợp với nhu cầu của khách hàng, gia tăng sự thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân… Bởi khi ngân hàng “lấy lòng” được khách hàng bằng dịch vụ, bằng sản phẩm thì tự khắc sẽ giữ được chân họ ở lại với ngân hàng lâu hơn.

Trâm Anh/NĐH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN