Các công ty P2P về Việt Nam bằng đường nào?

Xuất hiện ở Việt Nam trong một thời gian ngắn, các công ty P2P đã nhanh chóng bùng nổ với tốc độ và quy mô "chóng mặt".
P2P ra đời ở quốc gia phát triển châu Âu...
Xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005, P2P (Peer-to-Peer Lending) là hệ thống kết nối đầu tư ngang hàng trực tuyến, đóng vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư có vốn với các cá nhân cần vốn nhưng không tiếp cận được với ngân hàng.
Mô hình P2P cũng bao gồm hình thức cho vay đảm bảo (thể chấp) và không đảm bảo (tín chấp) giống với hình thức các ngân hàng đang áp dụng hiện nay. Chỉ khác là việc thẩm định sẽ được tiến hành trực tuyến và nhà đầu tư có quyền lựa chọn đối tác cần vay trên nền tảng P2P, cũng như theo dõi nguồn lợi nhuận từ người được cho vay.
Cac cong ty P2P ve Viet Nam bang duong nao?
 
Thông qua công nghệ BigData thực hiện vai trò mã hóa, lưu và kiểm soát tất cả thông tin khách hàng, cho vay P2P có tính bảo mật khá cao, việc thẩm định thông tin khách hàng cũng nhanh và rẻ hơn hình thức truyền thống. Lãi suất được tính dựa trên cơ sở phân tích thông tin tài khoản tín dụng, tài khoản mạng xã hội… và khách hàng sẽ được chia thành các dạng tương ứng giống như của ngân hàng truyền thống.
Vì những lợi thế đó mà trong hơn thập kỷ qua, mô hình P2P đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới với hàng nghìn doanh nghiệp đã áp dụng mô hình này và liên tục tăng trưởng.
Trong một báo cáo mới đây, TS. Cấn Văn Lực và Trung tâm nghiên cứu BIDV cho biết, năm 2012, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P trên toàn cầu đạt khoảng 1,2 tỷ USD; năm 2015 con số này lên tới 64 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, dự đoán đến năm 2025, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P toàn thế giới sẽ đạt hơn 1.000 tỷ USD.
... nhưng “ngã trận” ở Trung Quốc
Tại các thị trường phát triển như Mỹ và Anh Quốc, cho vay trực tuyến vận hành gần giống như hoạt động đầu tư trái phiếu. Theo đó, các khoản đầu tư được chia nhỏ dưới dạng chứng chỉ đầu tư và phát hành cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ. Mục đích loại hình cho vay này thường tập trung vào cho vay thế chấp (mua nhà, ô tô…), tái cho vay thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho vay khởi nghiệp...
Trong khi, các quốc gia Đông Nam Á có xu hướng xem cho vay ngang hàng như hoạt động cho vay thực sự và cần được quản lý tương tự như hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng. Theo đó, có quy định pháp lý về tiêu chuẩn cấp phép, trong đó có mức vốn tối thiểu, đội ngũ quản lý đối với công ty P2P. Đồng thời, yêu cầu cơ quan quản lý có biện pháp thường xuyên giám sát, đánh giá tình hình tài chính, thông tin hoạt động của các công ty P2P cũng như đánh giá rủi ro tổng thể của thị trường cho vay ngang hàng này.
Đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người vay tại nhiều quốc gia phát triển nhưng ở một số quốc gia, P2P Lending đã bị lợi dụng, biến tướng gây bất ổn tới an ninh kinh tế và xã hội.
Những hệ luỵ này biểu hiện rõ nhất tại Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Cho vay ngang hàng bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011 và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ. Tại Trung Quốc, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vốn nhỏ rất khó tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng nên đã tìm đến kênh cho vay này.
Kết quả là, cho vay ngang hàng tại Trung Quốc thu hút tới 50 triệu người tham gia đầu tư với mức lãi suất từ 10%/năm trở lên, cao hơn gấp đôi mức lãi suất của ngân hàng. Tính đến tháng 6/2018, thị trường cho vay ngang hàng của Trung Quốc có giá trị gần 218 tỷ USD.
Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát của Chính phủ, các công ty P2P tại Trung Quốc ngày càng hoạt động biến tướng với hình thức huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp.
Hàng loạt công ty P2P phá sản, chủ các công ty này ôm tiền chạy trốn. Theo một số thống kê, chỉ trong vòng 2 tháng kể từ tháng 6/2018, hơn 400 công ty P2P đã dừng hoạt động và các nhà đầu tư không thể đòi lại tiền. Việc này đã trở thành vấn nạn xã hội khi nhiều nhà đầu tư đình công, biểu tình yêu cầu Chính phủ Trung Quốc phải có biện pháp bảo vệ quyền lợi của họ.
Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đã có cách tiếp cận sai đối với hoạt động này, coi cho vay ngang hàng là "hệ thống trao đổi thông tin khoản vay". Cách hiểu này đã khiến các quy định của Trung Quốc rất lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho các vi phạm và biến tượng dẫn đến hệ lụy đã xảy ra.
Trước cuộc đổ vỡ đó, Chính phủ Trung Quốc đã bổ sung 10 biện pháp tăng cường kiểm soát như cấm mở thêm các website cho vay trực tuyến, yêu cầu các công ty P2P còn hoạt động phải dỡ bỏ các rào cản đối với việc khách hàng khiếu nại, tăng cường hình phạt đối với các công ty P2P có hành vi lừa đảo; thiết lập chương trình bồi thường cho nhà đầu tư khi các công ty P2P phá sản…
P2P đến Việt Nam theo đường nào?
Thực tế là khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt quản lý P2P Lending thì các công ty có xu hướng chuyển địa bàn hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam, với số lượng người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức khá cao (khoảng 79% theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới) thì đây được coi như mảnh đất “màu mỡ” cho lĩnh vực cho vay P2P phát triển.
Do đó, P2P tuy chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm qua nhưng đến nay hàng chục doanh nghiệp cho vay theo mô hình này đã ra đời. Một số công ty P2P ở Việt Nam đã được các đối tác ngoại rót vốn đầu tư.
Tima là một đại diện xuất hiện sớm nhất khi tham gia thị trường tài chính công nghệ từ năm 2015 với số vốn đầu tư ban đầu 150 tỷ đồng. Từ tháng 6/2016, công ty bắt đầu triển khai dịch vụ tư vấn và kết nối tài chính, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính này. Cuối tháng 12/2017, sàn kết nối tài chính Tima chính thức được ra mắt. Hiện, sàn kết nối này mới chỉ thực hiện vai trò trung gian kết nối bên vay và bên cho vay, chưa thực hiện giao dịch cho vay qua sàn.
Trước đó, đại diện Tima đã công bố, tại thời điểm ra mắt chính thức vào tháng 12/2017, lượng đơn vay mới của Tima ở mức 1.000 đơn/ngày. Tima đặt mục tiêu sẽ tăng số lượng này lên 10.000 đơn/ngày, đồng thời thí điểm mô hình cửa hàng Online to Offline trên 63 tỉnh thành. Tima cũng cho biết, đã kết nối cho vay thành công được hơn 30.000 tỷ đồng với gần 1,5 triệu khách hàng. Cập nhật mới nhất trên website Tima tính đến ngày 29/3, tổng số tiền giải ngân hơn 65.800 tỷ đồng.
Một cái tên có thể kể đến nữa là sản phẩm Vaymuon.vn của Công ty Cổ phần Vay Mượn ra mắt đầu tháng 12/2017. Được biết, đây là sàn giao dịch vay tiêu dùng tín chấp không gặp mặt đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động tương tự Uber trong lĩnh vực tài chính cá nhân.
Vaymuon.vn công bố chỉ cho vay từ 1 - 10 triệu đồng trong thời gian từ 7 - 45 ngày. Lãi suất hiện nay áp dụng 1,5%/tháng trả cho nhà đầu tư, tương đương 18%/năm. Đồng thời người vay còn trả thêm khoản phí 2.500 đồng/1 triệu đồng/ngày.
Trên website Vaymuon.vn, thông qua sàn giao dịch này, các cá nhân có nhu cầu vay nhanh các khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn có thể đăng ký qua mạng internet. Khoản vay sẽ được xét duyệt và giải ngân trong khoảng thời gian là 4 giờ làm việc với lần vay đầu và 30 phút với các lần vay sau. Người vay tiền không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ và không bị yêu cầu gặp mặt trực tiếp.
Ngoài ra, Mofin.vn hay Lendbiz.vn cũng đang quảng cáo mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp kết nối ngang hàng giữa các nhà đầu tư với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt
Theo tìm hiểu của phóng viên, pháp lý của các công ty này vẫn chưa được xác định. Nếu hoạt động tư vấn tài chính và chưa được NHNN cấp phép hoạt động huy động vốn và cho vay, các công ty này không được phép huy động và cho vay rộng rãi như các ngân hàng. Nếu các công ty này là doanh nghiệp bình thường, không chịu sự điều chỉnh của NHNN, thực hiện tư vấn huy động vốn và cho vay dưới góc độ quan hệ dân sự, được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng không đúng, vì hoạt động vay vốn của người dân và các công ty này không bình thường.
Vậy các công ty trên hoạt động theo hình thức nào, đúng luật chưa, Reatimes sẽ tiếp tục thông tin ở những kỳ sau?
Theo Mộc Trà/reatimes.vn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN