Ông Anthony Bamford (phải), chủ tịch của JCB chụp ảnh với cựu thủ tướng David Cameron. Ảnh: Getty Images.
Cơ sở tài chính doanh nghiệp Covid (CCFF) của Ngân hàng Anh ra mắt vào tháng 3 nhằm cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp bằng cách mua trái phiếu doanh nghiệp có thời hạn đến một năm. Chính sách này dành cho các công ty phi tài chính "đóng góp vật chất cho nền kinh tế Anh".
Theo Forbes, ngày 4/6, Ngân hàng Anh công bố danh sách 60 công ty yêu cầu hỗ trợ, trong đó một số thuộc sở hữu của các gia đình giàu có nhất châu Âu.
JCB là một trong những công ty tư nhân lớn nhất của Anh, chuyên sản xuất máy đào đất, do gia đình tỷ phú Bamford quản lý. Còn CNH Industrial (CNHI) là công ty đa quốc gia, quyền quản lý của gia đình Agnelli (thông qua Exor), một trong những người giàu nhất Italy. Họ yêu cầu khoản hỗ trợ 600 triệu bảng (770 triệu USD) cho mỗi doanh nghiệp.
Cũng yêu cầu một khoản hỗ trợ 600 triệu bảng là Westfield, công ty trung tâm mua sắm do gia đình Lowy của Australia quản lý.
Tottenham Hotspur của tỷ phú Joe Lewis, công ty sở hữu đội bóng nổi tiếng, yêu cầu 175 triệu bảng (224 triệu USD).
John Elkann (L), chủ tịch kiêm CEO của EXOR, kiểm soát CNH Industrial. Ảnh: Bloomberg.
"Tôi rất kinh ngạc khi thấy nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu của các tỷ phú đang được tài trợ bởi tiền thuế của người dân", Margaret Hodge, một thành viên của đảng Lao động đối lập nói. Bà Margaret cũng yêu cầu Rishi Sunak, Bộ trưởng Tài chính Anh ngăn chặn viện trợ nhà nước chảy vào các công ty có thể trốn thuế.
Đây không phải lần đầu tiên các công ty do tỷ phú sở hữu hoặc kiểm soát tìm kiếm viện trợ nhà nước. Chương trình duy trì việc làm của Anh, vốn tiêu tốn của chính phủ khoảng 14 tỷ bảng Anh (18 tỷ USD) mỗi tháng, đã được cấp cho các công ty có liên quan với ít nhất 20 tỷ phú, theo The Sunday Times. Trong số đó có Tập đoàn Virgin của Sir Richard Branson và Optare của anh em nhà Hinduja.
Một khảo sát gần đây cho thấy nhiều cá nhân giàu có đã trở nên giàu có hơn trong 2 tháng qua bằng cách cắt giảm chi tiêu và các khoản đầu tư thận trọng của họ.
Burberry đã đóng cửa 60% các cửa hàng tại Anh. Ảnh: AFP.
Sự cắt giảm chi tiêu từ những người giàu có đã ảnh hưởng mạnh tới những công ty phục vụ cho thị hiếu xa xỉ của họ. Chanel và Burberry, 2 công ty xa xỉ lớn đã yêu cầu hỗ trợ từ CCFF, cũng như các khách sạn cao cấp (liên lục địa) hay các nhà bán lẻ lớn của Anh (M & S và John Lewis).
Bain, một chuyên gia tư vấn nhận định: “Mọi thứ có lẽ sẽ thực sự tồi tệ nếu những người giàu có cắt giảm chi tiêu của họ. Các thương hiệu xa xỉ đang dự đoán tổn thất khoảng một phần 3 doanh thu trong năm nay”.
Đối với JCB, khoản vay này là một "chính sách bảo hiểm", Giám đốc điều hành Graeme MacDonald, nói với Telegraph. CNH Industrial cho biết họ đã tìm kiếm khoản vay để "duy trì mức thanh khoản hợp lý trong giai đoạn không chắc chắn này".
Tottenham Hotspur nói, dự đoán đến tháng 6/2012, khoản lỗ của công ty có thể vượt quá 200 triệu bảng (256 triệu USD).