Quý 3/2023, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB)ghi nhận doanh thu ở mức 7.415 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận gộp cũng giảm 17% về còn 2.232 tỷ đồng. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên giảm nhẹ 1 điểm % so với cùng kỳ, xuống còn 30%.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính tăng 31% so cùng kỳ lên 373 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi tăng.
Sau khi trừ các loại chi phí, Sabeco lãi ròng 1.044 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ, ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp SAB có lãi suy giảm.
Theo giải trình của Sabeco, lợi nhuận giảm chủ yếu do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các hãng bia với nhau. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng thấp trong khi chi phí đầu vào tăng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần như không giảm nhiều.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Sabeco đạt 21.941 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ở mức 3.289 tỷ đồng, cũng giảm 26% so với cùng kỳ và mới đạt 57% kế hoạch cả năm năm. Lãi ròng cũng giảm 24% còn 3.171 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Sabeco ở mức 33.426 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Nợ phải trả giảm mạnh 30% so đầu năm, về mức gần 6.908 tỷ đồng. Chủ yếu do khoản phải trả người bán ngắn hạn với 1.744 tỷ đồng, giảm 37% và phải trả ngắn hạn khác chiếm 991 tỷ đồng, giảm 69%. Trái lại, tổng nợ vay của Sabeco khoảng 648 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.
Trước đó, Ban lãnh đạo Sabeco kỳ vọng vào sự phục hồi trong tiêu thụ bia trong nửa cuối năm 2024, chủ yếu do nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam cải thiện từ việc ngành du lịch phục hồi và tạo thêm việc làm.
Trong khi đó, hàng tồn kho với chi phí cao hơn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp. SAB dự kiến diễn biến này sẽ tiếp tục tác động đến lợi nhuận của công ty cho đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 do lượng tiêu thụ bia thấp hơn dự kiến do những khó khăn kinh tế.