VN-Index tăng 10,59% còn HNX-Index tăng 16.34% trong tháng 2. P/E cuối tháng 2 ở mức 18, tăng mạnh so với mức 16,9 ở cuối tháng 1, cao hơn 11,39% so với P/E bình quân 5 năm (16,16 lần) dù vậy vẫn khá thấp so với khu vực châu Á.
Tất cả các ngành cấp I tăng điểm trong tháng 2 khi thị trường tăng điểm trở lại. Nhóm Ngành Công nghệ thông tin, Viễn thông và Dầu khí có mức tăng mạnh nhất trong tháng 2. Ngành Công nghệ thông tin dẫn đầu thị trường với mức tăng 24,5%.
Vốn hóa tăng 9.8% so với thời điểm cuối tháng 1. Diễn biến thị trường tăng trở lại sau giai đoạn điều chỉnh. Thanh khoản suy giảm phản ánh trạng thái nghỉ ngơi của các giao dịch vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên Đán.
|
Nguồn: BSC. |
Khối ngoại tiếp tục thu hẹp đà bán ròng phần nào cho thấy sự quan tâm trở lại của những nhà đầu tư quốc tế khi thị trường Việt Nam tăng trưởng hấp dẫn và điều đó có thể ảnh hưởng tích cực đến tâm lý các nhà giao dịch và khiến VN-Index duy trì đà tăng.
Tính chung tháng 2, Khối ngoại bán ròng 1.381 tỷ, trong đó VNM là mã bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 690 tỷ đồng.
NĐT cá nhân trong nước không còn duy trì hoạt động giao dịch tích cực như thời điểm cuối năm 2020. NĐT cá nhân trong nước giao dịch chiếm 79,4% thị trường so với mức bình quân 78,7% trong 1 năm.
Áp lực bán xuất hiện tại khu vực quanh 1,180 điểm đồng thời thanh khoản ở mức vừa phải cho thấy các bộ phận nhà giao dịch vẫn đang khá thận trọng với diễn biến thị trường hiện tại.
VN-Index có thể hướng đến 1.220 điểm trong tháng 3
Kịch bản 1: VN-Index duy trì đà tăng và đủ khả năng vượt đỉnh lịch sử 1.200, hướng tiếp về khu vực quanh 1.220. Các thị trường thế giới kết thúc giai đoạn điều chỉnh và kinh tế tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách của các NHTW lớn.
Trong nước, làn sóng Covid-19 thứ ba được kiểm soát hoàn toàn, đời sống nhân dân ổn định trở lại. Xác suất xảy ra kịch bản này là khá cao.
Kịch bản 2: VN-Index tiếp tục trạng thái tích lũy ngắn hạn theo kênh giá đi xuống và dời về quanh khu vực 1.130 điểm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường tại nhiều nước khiến tâm lý nhà đầu tư quốc tế vẫn trong trạng thái bi quan, dẫn đến việc thị trường thế giới chưa thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn và trạng thái rút ròng của khối ngoại tại thị trường Việt Nam gia tăng trở lại. Kịch bản này đánh giá thấp hơn kịch bản 1.
NĐT nên thận trọng trong quyết định mua thêm các cổ phiếu đã đạt đến vùng giá cao trong thời gian vừa qua khi sự tăng trưởng của thị trường là chưa rõ ràng trước nhiều thông tin bất định.
Cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như Ngân hàng, Bán lẻ, Bất động sản và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như Hàng không.
Cân nhắc kỹ trong quyết định giao dịch và chỉ mua khi các cổ phiếu dời về những ngưỡng hỗ trợ mạnh đồng thời áp lực bán suy giảm.
Thận trọng khi giao dịch phái sinh, nên giữ số vị thế mở ở mức vừa phải.