Vào thời điểm tháng 11/2019, khi CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FHH) còn đang quảng bá trên thị trường về cơ hội đầu tư cổ phiếu FHH, giới đầu tư không khỏi xôn xao trước thông tin FLCHomes chào bán 10 triệu cổ phiếu FHH cho các cán bộ thuộc Tập đoàn FLC và thành viên Tập đoàn.
Thông báo cho biết: “Tập đoàn FLC hoặc công ty do Tập đoàn chỉ định cam kết mua lại toàn bộ số cổ phần FLCHomes mà cán bộ công nhân viên đã mua khi tham gia chương trình ESOP – FHH từ đủ 3 tháng tính từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận cổ đông với giá 45.000 đồng/cổ phần khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định”.
Dù vậy, như Nhadautu.vn đã đề cập, với những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, ban lãnh đạo Tập đoàn FLC và FLCHomes vào ngày 27/3/2020 đã thông báo kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại (các) Hợp đồng giao dịch đã kí và Điều 296 Luật Thương mại 2005 đối với cam kết mua lại mã cổ phiếu FHH theo chính sách ESOP-FHH.
Cụ thể, Tập đoàn sẽ kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ mua lại mã cổ phiếu FHH theo chính sách ESOP-FHH trong thời hạn 5 tháng kể từ ngày 15/4/2020 nhưng "không sớm hơn 2 tháng kể từ thời điểm đại dịch COVID-19 được kiểm soát".
Mới đây, chia sẻ trên Facebook cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết từ đầu tháng 6/2020, tập đoàn này đồng loạt đẩy mạnh tiến độ thi công trên các công trường xây dựng, sau khi đánh giá "tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được khắc phục trong nước". Giới đầu tư nói chung, cũng như cổ đông FLCHomes nói riêng không khỏi kỳ vọng Tập đoàn FLC và FLCHomes sẽ khởi động lại kế hoạch mua lại cổ phiếu theo chính sách ESOP-FHH.
Ai mua, mua khi nào?
Nhiều ý kiến đánh giá, Tập đoàn FLC và FLCHomes có thể sẽ tiếp tục dồn nguồn lực nhằm đẩy mạnh hơn tình hình kinh doanh vốn bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Đồng nghĩa, Tập đoàn sẽ giữ nguyên kế hoạch thời gian thực hiện nghĩa vụ mua lại cổ phiếu theo thông báo ngày 27/3/2020.
Bởi lẽ, số tiền mà Tập đoàn phải chi (nếu) mua lại cổ phần cũng không hề nhỏ, lên tới 450 tỷ đồng.
Trong khi đó, các thông số kinh doanh cũng cho thấy, nguồn tiền mặt của FLC, FLCHomes, cùng các đơn vị thành viên không dồi dào để thực hiện giao dịch này. Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý I/2020 của cả hệ sinh thái FLC Group cũng không mấy khả quan.
Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy, Tập đoàn FLC và các thành viên tính đến ngày 31/3/2020 chỉ nắm vỏn vẹn gần 137 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, chiếm 30,4% so với số tiền Tập đoàn dự kiến chi để mua lại cổ phiếu FHH theo chính sách ESOP-FHH.
Riêng bản thân FLCHomes, tính đến hết ngày 31/3/2020, doanh nghiệp đang sở hữu tổng tài sản lên đến hơn 6.357 tỷ đồng. Hệ số TD/TA (tổng nợ/tổng tài sản) là 0,34 lần, phần nào phản ánh doanh nghiệp có thể có tiềm lực tài chính tốt, với phần lớn tài sản của công ty được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu. Dẫu vậy, cần lưu ý chiếm đa phần tổng tài sản FHH lại là các khoản phải thu ngắn hạn (2.032 tỷ - chiếm gần 31,9%); đầu tư tài chính dài hạn (1.166 tỷ - chiếm 18,3%); chi phí trả trước dài hạn (2.695 tỷ - chiếm 42,3%), nhiều khả năng đây là chi phí thuê dài hạn 3 sân golf FLC Hạ Long, FLC Quy Nhơn và FLC Sầm Sơn.
Trong khi đó, phần tài sản cho thấy chỉ có hơn 13 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Còn trên phần nguồn vốn, FLCHomes ghi nhận 133,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu thuần FLCHomes đạt 699 tỷ đồng, tăng 161% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận gộp ghi nhận 39 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ gộp 0,3 tỷ đồng quí I/2019. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế FLCHomes đã tăng từ mức âm 29 tỷ đồng lên dương 1,6 tỷ đồng.
Với Tập đoàn FLC, tại ngày 31/3/2020, lượng tiền mặt chỉ ghi nhận hơn 48,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số gần 633 tỷ đồng hồi đầu năm. Cùng với đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng thu hẹp hơn 62%, về còn chưa tới 71 tỷ đồng.
Đáng chú ý, do những ảnh hưởng từ COVID-19, quý I/2020 FLC ghi nhận lỗ ròng gần 1.172 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng hơn 8 năm, công ty của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết phải báo lỗ kinh doanh quý (kể từ sau quý 2/2011). Trước những diễn biến từ dịch COVID-19, FLC dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên 2020 (dự kiến tổ chức ngày 9/6) tờ trình kế hoạch lỗ năm 2020 là 1.957 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) đến cuối kỳ quý I/2020 ghi nhận hơn 10.742 tỷ đồng tổng tài sản, nhưng chỉ có hơn 28,8 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Kết quả kinh doanh ROS quý I/2020 cũng không khả quan khi chỉ lãi gần 410 triệu đồng, sụt giảm tới 98,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kết quả lãi quý thấp nhất của ROS kể từ khi niêm yết (tháng 9/2016) tới nay.
CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (HOSE: GAB) – doanh nghiệp sắp M&A ROS, dù quý I/2020 có doanh thu tăng tăng 92% đạt 31 tỷ đồng, nhưng lãi ròng chỉ đạt vỏn vẹn 477 triệu đồng, tương đương giảm 81% so với quý I/2019. Dòng tiền kinh doanh trong kỳ của GAB âm 15,6 tỷ đồng, và là yếu tố chính khiến tiền và tương đương tiền nắm giữ giảm từ 26,3 tỷ đồng (số đầu năm) còn 9,1 tỷ đồng tính đến cuối quý I/2020.
Một doanh nghiệp khác cũng chủ trương sáp nhập vào ROS là CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (HOSE: AMD). Quý I/2020 ghi nhận lợi nhuận sau thuế AMD chỉ đạt gần 2,8 tỷ đồng, bằng gần 1/4 so với cùng kỳ quý I/2019. Ngoài ra, tính đến hết ngày 31/3/2020, AMD nắm hơn 2.799 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó hơn 19,6 tỷ đồng là khoản tiền.
Một thành viên khác của Tập đoàn FLC là CTCP Nông Dược HAI (HOSE: HAI) với lãi ròng chỉ đạt 546 triệu đồng trong quý I/2020, giảm 91,31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối kỳ báo cáo, HAI cũng chỉ nắm hơn 6,6 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Công ty duy nhất trong hệ thống Tập đoàn FLC báo lợi nhuận tăng trưởng là CTCP Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (HNX: KLF). Trong quý I/2020, KLF đạt gần 715 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của KLF vẫn tăng đột biến, gấp gần 4 lần cùng kỳ, đạt gần 14,2 tỷ đồng, tương đương vượt 18% so với kế hoạch cả năm 2020. Trên bảng cân đối kế toán, KLF tính đến ngày 31/3/2020 nắm 11,3 tỷ đồng tiền, tương đương gấp hơn 2 lần so với số đầu kỳ.
Trở lại với FLCHomes, vốn là một phần trong hệ sinh thái của FLC, doanh nghiệp được định hướng xây dựng với 4 sản phẩm đầu tư, phát triển cốt lõi là: FLC Beach & Golf Resort (Bất động sản nghỉ dưỡng & sân golf); FLC Residences (Khu đô thị phức hợp cao cấp); FLC Retail & Office (Bất động sản thương mại, văn phòng & mặt bằng bán lẻ) và FLC Green Eco (Bất động sản xanh).
Với tham vọng như vậy, và với các chỉ số tài chính như đã nói trên, rất khó có khả năng Tập đoàn FLC, FLCHomes sẽ mua lại cổ phiếu quỹ ở thời điểm này.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý, thông báo ngày 27/3/2020 của Tập đoàn FLC chỉ viết:” Tập đoàn sẽ kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ mua lại mã cổ phiếu FHH theo chính sách ESOP-FHH trong thời hạn 5 tháng kể từ ngày 15/4/2020 nhưng không sớm hơn 2 tháng kể từ thời điểm đại dịch COVID-19 được kiểm soát”.
Nên nhớ, trong khi Việt Nam đang kiểm soát rất tốt đại dịch COVID-19, thì số người chết/nhiễm COVID-19 trên thế giới đang tiếp tục gia tăng. Tính đến 6h ngày 3/6, theo trang thống kê Worldometer, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 107.690 người mắc dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 4.452 ca tử vong.
Tổng cộng, toàn cầu đã có gần 6,5 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 381.642 người tử vong và gần 3 triệu bệnh nhân bình phục.
FLCHomes sẽ niêm yết trong tháng 6/2020
Liên quan đến kế hoạch niêm yết cổ phiếu FHH trên sàn HOSE. Như Nhadautu.vn đã đề cập, vào cuối tháng 2/2020, FLCHomes đã hoàn tất việc nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu FHH tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Hiện hồ sơ đăng ký niêm yết FHH đang được HOSE thẩm định.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 tổ chức ngày 28/4 vừa qua, bà Hương Trần Kiều Dung - Chủ tịch FLCHomes cho biết công ty đã chuẩn bị hồ sơ và nộp lên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. "Dự kiến trong tháng 6/2020, mọi thủ tục sẽ được hoàn tất và mã FHH sẽ chào sàn".