Những ngày gần đây, anh S.T nhìn vào cổ phiếu HBC trong danh mục với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Khoản đầu tư vào cổ phiếu HBC của anh tăng 133%. Trong cơn sóng chứng khoán, một nhà đầu tư khác - anh K có tỷ suất sinh lời ấn tượng hơn với cổ phiếu FLC, tăng 477% hay DRH, tăng 314%.
Hai anh cũng như nhiều nhà đầu tư khác cũng đang mắc kẹt với các cổ phiếu lẻ mà không thể chốt lời, tính ra tổng số tiền lên đến hàng chục triệu. Bởi lẽ đó là những lô lẻ dưới 100 cổ phiếu.
Nhà đầu tư lời đậm nhưng không bán được cổ phiếu lô lẻ. Đồ họa: Tuấn Trần
|
Từ sau sự kiện nghẽn lệnh sàn HOSE, lô cổ phiếu tối thiểu được nâng lên 100 đã khiến nhà đầu tư gặp một số bất tiện trong giao dịch, không thể chốt lời cổ phiếu dù lãi lớn hay không thể bán cổ phiếu lẻ nhận từ các đợt chia cổ tức cổ phiếu và phát hành thêm. Bởi vậy, việc đưa lô giao dịch trở lại 10 cổ phiếu là một trong những mong mỏi của nhà đầu tư sau khi sự cố sàn HOSE được giải quyết.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng 8/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã chỉ đạo để HOSE đưa lô giao dịch về 10 sớm nhất trong tháng 8 tuy nhiên đó là những thông tin cuối cùng mà nhà đầu tư có thể nghe ngóng được về việc này. Trong suốt thời gian còn lại của năm 2021, cơ quan chức năng không thông tin thêm về ngày trở lại con số 10.
Nhìn vào diễn biến thị trường hiện tại có thể chỉ ra một số lý do để cơ quan quản lý chưa đưa lô tối thiểu về 10 cổ phiếu.
Đầu tiên là dòng tiền vào mạnh khiến thanh khoản thị trường tăng cao, đặc biệt là kể từ sau khi hệ thống mới của FPT được vận hành. Giá trị khớp lệnh trên 2 sàn HOSE và HNX 6 tháng cuối năm 2021 đạt hơn 28.2 ngàn tỷ đồng/phiên, gấp 3 lần cùng kỳ. Lượng tài khoản mở mới cũng cao kỷ lục trong năm 2021. Bối cảnh này tương tự như đợt nghẽn lệnh cuối năm 2020 khi nhà đầu tư mới tăng mạnh kéo thanh khoản lên. Hệ thống sàn HOSE hoàn toàn có nguy cơ bị nghẽn lệnh trở lại.
Tại lễ đánh cồng phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thông tin cho biết hệ thống giao dịch của HOSE hiện phải chịu tải 2.5 triệu lệnh trong khi giới hạn mới mà FPT mở ra là 3 triệu lệnh (trước đó là 1.9 triệu lệnh). Sàn HOSE tiềm ẩn nguy cơ nghẽn lệnh trong tương lai gần dù năng lực hệ thống đã được nâng lên rất nhiều. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), HOSE phối hợp với FPT nhanh chóng mở rộng hệ thống, luôn luôn đón đầu để không còn nghẽn lệnh đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho thị trường chứng khoán.
Một lý do khác đó là VNX đi vào hoạt động. Hiện tại HOSE và HNX trở thành Sở con trực thuộc VNX. Theo lộ trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, giao dịch cổ phiếu sẽ được chuyển toàn bộ về sàn HOSE. VNX hiện đã hoàn chỉnh bộ quy chế giao dịch mới. Mặt khác, hệ thống KRX dự kiến được đưa vào vận hành từ giữa năm 2022. Có thể VNX đang đợi để ban hành bộ quy chế giao dịch (trong đó có lô giao dịch tối thiểu) phù hợp với tổ chức thị trường và hệ thống giao dich mới.
Việc chưa đưa lô giao dịch trở lại 10 nhìn ở góc độ trên là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quản quản lý vẫn phải có động thái quan tâm tới nhà đầu tư chứ không thể vận hành thị trường theo cách “đem con bỏ chợ” như hiện tại. Không công bố thông tin cũng như lộ trình về việc sửa đổi lô giao dịch khiến nhà đầu tư không thể chuẩn bị kế hoạch giao dịch cho phù hợp trong khi đó là quyền cơ bản của họ ở thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư có quyền được biết bao giờ được giao dịch lô 10 như trước.
Hơn nữa, việc đưa cổ phiếu về lại lô 10 nên được xem là nhiệm vụ cấp bách của cơ quan quản lý. Bởi lô 100 đang là rào cản đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ và điều đó đồng nghĩa với rào cản cho sự phát triển của thị trường. Trong cơn sóng chứng khoán, nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh. Thị giá nhiều cổ phiếu hiện đang ở mức cao so với túi tiền của các nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia, tìm hiểu thị trường chứng khoán (sinh viên, người trẻ tuổi). Với lô 100 cổ phiếu, người ta phải ra hàng chục triệu để mua được các cổ phiếu đầu ngành như VIC, SAB, MSN, MWG…
Bởi vậy cần phải nghiêm túc xem xét lại lô giao dịch hiện tại 100 cổ phiếu. Thị trường chứng khoán với bản chất là nơi huy động vốn cho doanh nghiệp thì phải định hướng phát triển để toàn dân đều có thể tiếp cận tới chứng khoán. Với tỷ lệ tài khoản chứng khoán chiếm 4% dân số như hiện tại thì vẫn còn cả chặng đường dài phía trước.
Ở các thị trường phát triển, lô giao dịch ở mức thấp và hướng tới thấp hơn để nhà đầu tư có thể tiếp cận với chứng khoán dễ dàng hơn. Thậm chí còn có những nền tảng cho phép mua cổ phiếu phân mảnh (ít hơn 1 cổ phiếu). Không thể theo lối tư duy “vắng mợ chợ vẫn đông” với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, nên nhớ, chính những nhà đầu tư cá nhân là động lực thúc đẩy thị trường đi lên trong 2 năm trở lại đây.