TTCK đã có 3 phiên hồi liên tiếp, phần nào giải tỏa áp lực “lò xo nén”, kéo chỉ số VN-Index vượt qua ngưỡng 700 điểm. Đã có tín hiệu rõ nét cho một đợt phục hồi ngắn hạn trong tuần tới chưa, hay chỉ đơn thuần là phiên hồi kỹ thuật, theo các ông/bà?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Tôi nghĩ là đang có 1 đợt phục hồi ngắn hạn, bắt đầu từ ngày Cá tháng Tư (1/4) chứ không phải phiên cuối tuần, và kéo dài qua tuần tới.
Trong 2 phiên vừa qua, VN-Index đã “dám” đi ngược các chỉ số sàn Mỹ và châu Á. Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh, nhưng lúc này có vẻ như nhà đầu tư nội địa đã tham lam thực sự, vì 2 lý do, thứ nhất là các đợt mua vào cổ phiếu quỹ hay của lãnh đạo công ty niêm yết, 2 là các gói giải cứu/kích thích kinh tế mạnh của Chính phủ.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Thị trường các phiên gần đây giao dịch khá tích cực một phần nhờ thị trường thế giới đang trong xu thế tăng ngắn hạn trở lại. Tuy nhiên, tôi chưa nhìn thấy đợt hồi phục này đủ mạnh khi khối ngoại tiếp tục quay lại bán ròng với quy mô lớn, thị trường cũng sắp tiệm cận vùng kháng cự ngắn hạn 720-730 điểm. Áp lực chốt lời khả năng sẽ diễn ra tại vùng giá trên nhất là trong bối cảnh tâm lý hiện tại rất dễ đảo chiều.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
VN-Index có tuần hồi phục sau ba tuần giảm điểm liên tiếp trước đó, tuy nhiên thanh khoản trong ba phiên hồi phục liên tiếp này lại thấp hơn mức trung bình trong các phiên giảm trước đó.
Điều này cho thấy đây nhiều khả năng chỉ là một nhịp hồi phục kỹ thuật của chỉ số VN-Index với mục tiêu hồi phục, nếu theo đúng lý thuyết thì sẽ là ngưỡng 730 điểm, tương đương với đường MA20 ngày.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
|
Ông Vũ Minh Đức. |
Với việc VN-Index đóng cửa trên mốc 695 điểm, chỉ số này đang hình thành mô hình 2 đáy nhỏ, cho phép dự báo về sự tiếp diễn của đà hồi phục ngắn hạn lên vùng kháng cự tại 710-730 điểm của chỉ số này. Tuy vậy, nếu sự hồi phục của VN-Index chỉ giới hạn trong kịch bản này, tôi vẫn đánh giá đây là một nhịp hồi kỹ thuật.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Nhiều ý kiến cho rằng nhịp hồi phục này vẫn chỉ là nhịp bật mang yếu tố kỹ thuật do nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã rơi vào vùng quá bán. Tuy nhiên, cũng có bộ phận tâm lý không nhỏ cho rằng thị trường đã chạm đáy ngắn hạn khi những gì xấu nhất đã xẩy ra (nhà đầu tư cũng sẵn sàng chờ các thông tin kinh tế vĩ mô không tích cực trong quý I ra nốt cũng như báo cáo kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp niêm yết sẽ sớm công bố trong tuần này).
Tất nhiên, dù chưa thể kỳ vọng vào việc đi lên bền vững do yếu tố dịch bệnh trên toàn cầu cũng như tác động tới nền kinh tế vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng có thể nói rằng diễn biến thị trường trong 3 phiên gần đây khá tích cực và nó mở ra cơ hội cho thị trường bước vào nhịp hồi phục được kỳ vọng sẽ dài hơn so với các nhịp hồi phục trước đây.
Cùng với sự phục hồi của giá dầu, nhóm cổ phiếu dầu khí đều đồng loạt ghi nhận tăng trần trong phiên cuối tuần. Cổ phiếu nhóm dầu khí còn dư địa tăng không, hay bấp bênh theo giá dầu?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Tôi nghĩ là còn dư địa tăng trong ngắn hạn, nhưng nếu chiếu theo giá dầu thì khá bấp bênh. Vấn đề của nhóm cổ phiếu này là giá dầu thế giới liệu sẽ lên được bao nhiêu USD/thùng? Trong tình hình này, tôi không nghĩ giá dầu thế giới sẽ lên lại mức cũ, ví dụ như 60 USD/thùng (Brent), thậm chí nói trên 45 USD/thùng cũng đã là “thành công” lớn, bởi vì giá dầu giảm lần này không phải vì cung tăng, mà là cầu giảm.
Đối với ngành dầu khí Việt Nam, giá dầu nếu chỉ quay lại chừng 40-45 USD/thùng thì triển vọng có lẽ vẫn rất tệ, nhất là các doanh nghiệp thượng nguồn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Nhóm dầu khí theo tôi bản chất rất khó định giá dựa trên nền tảng cơ bản, mà mang hơi hướng đầu cơ là chủ yếu. Chính vì vậy, giai đoạn này giá cổ phiếu sẽ biến động xoay quanh diễn biến giá dầu, trong khi các đại dự án dầu khí (vốn là catalyst đầu năm 2019) thì vẫn rất khó đoán định thời điểm triển khai và tác động tới các cổ phiếu trong ngành.
Tính bất định của giá dầu là điểm nhà đầu tư cần lưu ý khi trading cổ phiếu dầu khí giai đoạn này, tuy nhiên tôi lưu ý là nhiều cổ phiếu đã giảm xuống mức P/B thấp nhất lịch sử, trong khi cơ bản tài sản các doanh nghiệp này hầu hết là tài sản thực, có giá trị.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
|
Ông Ngô Thế Hiển. |
Cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trong phiên cuối tuần do hưởng lợi từ tình hình giá dầu thế giới bật tăng 24% trong phiên 2/4 (theo giờ Mỹ) sau thông tin Tổng thống Mỹ cho biết Nga và Ả Rập Xê Út sẽ cắt giảm sản lượng từ 10 triệu đến 15 triệu thùng mỗi ngày.
Tuy nhiên, đây chỉ là một cú hồi mang tính ngắn hạn của giá dầu và diễn biến giá sẽ còn phụ thuộc nhiều vào hành động thực tế của Nga và Arap Xê Út cũng như tác động của dịch Covid-19 tới nhu cầu dầu trên thế giới. Do đó, cổ phiếu dầu khí khó có thể tăng mạnh trong giai đoạn này.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Tôi cho rằng diễn biến của nhóm dầu khí đang chịu ảnh hưởng bởi biến động ngắn hạn của giá dầu thế giới. Mặc dù vậy, sự biến động của giá dầu đang rất khó lường và có thể sẽ tạo rủi cho cho việc mua vào ngắn hạn các cổ phiếu dầu khí bị giới hạn bởi luật T+3.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Nhóm cổ phiếu dầu khí có phiên giao dịch tích cực trong phiên cuối tuần một phần do giá dầu thế giới tăng rất mạnh trở lại, phần nữa do bản thân các cổ phiếu ngành này cũng đã giảm rất mạnh thời gian vừa qua và liên tục thiết lập đáy mới.
Trong ngắn hạn, với việc Opec+ sẽ nhóm họp và đưa ra giải pháp khôi phục thị trường dầu mỏ ngày 6/4, giá dầu được kỳ vọng tiếp tục nhận được thông tin hỗ trợ, bên cạnh lực cầu ngắn hạn vẫn còn khá lớn, dư địa hồi phục của nhóm cổ phiếu này là vẫn còn.
Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí được dự báo sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới và điều này sẽ được phản ánh vào giá cổ phiếu trong thời gian tương đối dài.
Trong một diễn biến khác, nhóm cổ phiếu thị trường lại ghi nhận giảm giá sâu như MBG giảm 55%, MST giảm 35%, DRH giảm 35%, ASM giảm 34%... khi có chuỗi 9 phiên liên tiếp. Sau đó, nhóm cổ phiếu này lại nổi sóng trở lại trong 2 phiên cuối tuần. Chạy theo nhóm cổ phiếu thị trường ở thời điểm này có tiềm ẩn rủi ro không?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Việc chạy theo nhóm thị trường trong bất cứ thời điểm nào cũng là rủi ro, mức độ rủi ro đặc biệt lớn trong bối cảnh đại dịch đang tác động thật sự tới nền kinh tế, tới túi tiền của các "market maker".
Việc các cổ phiếu nổi sóng theo tôi không đến từ yếu tố kinh doanh chính, hoặc vì giá cổ phiếu đang rẻ, mà có thể để hoàn thành một "sứ mệnh" nào đó.
Chính vì việc rất khó kiểm soát và phân tích nhóm cổ phiếu này, khi mà chúng ta còn chưa biết đại dịch sẽ đi đến đâu về đâu, tôi cho rằng nên đặc biệt thận trọng giao dịch nhóm cổ phiếu này giai đoạn này.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Hiện nhóm penny này không hoạt động độc lập, mà hồi phục cùng nhiều cổ phiếu khác, bao gồm cả các bluechip bị bán quá mức. Do đó, tôi cho rằng trong nhịp hồi phục ngắn hạn (nếu có) này, rủi ro của các cổ phiếu là như nhau nếu nhà đầu tư chạy mua đuổi theo giá.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
Thị trường đã trải qua giai đoạn tiêu cực kéo dài, khi nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận lướt sóng thì sức hút của nhóm cổ phiếu nhỏ và đầu cơ với biên độ dao động nhanh rõ ràng là rất lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc đánh bạc dựa trên những cổ phiếu không có nền tảng cơ bản tốt thường có mức độ rủi ro rất cao, đặc biệt khi thị trường và dòng tiền đang ở trạng thái suy yếu.
Tại sao khi đã kỳ vọng vào một nhịp hồi phục dài và thuyết phục hơn, đủ T+ của thị trường, thì chúng ta không lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành, doanh nghiệp tốt?
Thực tế cho thấy, các hoạt động kích thích tăng trưởng kinh tế như giảm lãi suất, giảm, giãn thuế, đẩy mạnh các đầu tư công cũng đã và đang được triển khai cũng có phần chia sẻ với nhiều doanh nghiệp. Nhưng đâu mới là yếu tố có thể giúp thị trường hồi phục bền vững hơn, theo các ông/bà?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Vắc xin trị dứt Covid-19 là yếu tố căn bản nhất giúp thị trường phục hồi bền vững. Dù Việt Nam có trải qua 2 tuần cách ly thành công, thì sau đó vẫn phải cẩn trọng nếu mở cửa buôn bán hay du lịch với người nước ngoài, chứ không lại quay lại giống trước khi cách ly. Tức là không thể thành công một mình.
Ngoài ra, yếu tố khác cũng quan trọng không kém là diễn biến của các thị trường chứng khoán lớn Mỹ và EU.
|
Ông Hoàng Thạch Lân. |
Hiện nay, tôi có suy nghĩ rằng các thị trường đó có thể phục hồi mà không chờ có vắc xin, mà dựa vào (1) các biện pháp giải cứu doanh nghiệp hay kích thích kinh tế mà chính phủ các nước đó đưa ra, (2) thống kê cho thấy dịch qua đỉnh.
Theo một số ý kiến chuyên gia, dường như nhiều quốc gia ở EU đang tới đỉnh dịch, còn Mỹ thì chưa. Như vậy, sẽ sớm có cơ hội kiểm chứng điểm (2) này, nhất là ở EU, nhưng tốt nhất là “mong” Mỹ tới đỉnh dịch.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco
Yếu tố giúp thị trường hồi phục bền vững theo tôi cần phải là các tín hiệu rõ nét về (1) thành tựu nghiên cứu vaccine, (2) tín hiệu về việc dịch bệnh được kiểm soát trên thế giới và tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện tại, việc nghiên cứu vaccine có vẻ sẽ mất rất nhiều thời gian, thì trước mắt thị trường cần điểm tựa tâm lý về việc số ca nhiễm bệnh tạo đỉnh ở các quốc gia lớn và Việt Nam trải qua quá trình "15 ngày đêm" thành công.
Khi đó thị trường sẽ bước sang giai đoạn "thích nghi và hồi phục", mặc dù các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ có tác động tới tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Yếu tố này có thể được bù đắp bằng việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hoặc các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch.
Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS
Có thể thấy là trong khoảng một hai tuần trở lại đây, Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ và vực dậy nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khan trong đại dịch Covid-19. Những chính sách này sẽ có tác dụng giúp đỡ các doanh nghiệp có thể từng bước vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, để thị trường chứng khoán có thể đi lên bền vững thì theo chúng tôi, điều quan trọng nhất là dịch Covid-19 phải được kiểm soát và đẩy lùi trên phạm vi thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Mà để đạt được điều này sẽ cần thêm thời gian để các nhà khoa học có thể tìm ra thuốc trị bệnh cũng như vắc xin để phòng bệnh.
Khi dịch bệnh đã được đẩy lùi thì việc nền kinh tế và thị trường chứng khoán hồi phục mạnh là điều hiển nhiên sẽ xảy ra.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Hiện tại, chưa có một số liệu định lượng cụ thể nào như kết quả kinh doanh quý I hay là Kế hoạch kinh doanh 2020 được ĐHCĐ các công ty niêm yết thông qua. Điều này sẽ gây hạn chế trong việc ước tính được định giá hợp lý của các cổ phiếu cũng như thị trường trong bối cảnh kinh doanh mới.
Sự ổn định hoặc hồi phục bền vững của thị trường sẽ xuất hiện khi đa số nhà đầu tư cảm nhận được rằng thị trường đã giảm về mức chiết khấu hợp lý hoặc rẻ.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Sacombank (SBS)
|
Ông Dương Hoàng Linh. |
Hãy nhìn từ nguyên nhân khởi nguồn, không chỉ TTCK Việt Nam mà tất cả các TTCK trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng rất tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, chỉ khi nào dịch bệnh được đẩy lùi, các gói kích thích, các giải pháp hỗ trợ.. mới có tác động rõ ràng tới nền kinh tế cũng như giúp TTCK hồi phục bền vững (hiện tại mới chỉ mang tính trấn an và hỗ trợ phần nào khó khăn của doanh nghiệp).
Dù có niềm tin rất lớn vào công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh của chính phủ, dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi ở Việt Nam, nhưng tôi vẫn có sự lo ngại sâu sắc về những ảnh hưởng và tác động lâu dài của dịch bệnh tới kinh tế toàn cầu và lo ngại suy thoái ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.