Jetstar Pacific lỗ lũy kế 4.250 tỷ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Dù báo lãi trong năm 2018 nhưng Jetstar Pacific vẫn còn khoản lỗ lũy kế rất lớn, khoảng 4.250 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra, với những thua lỗ trên thì trách nhiệm thuộc về ai?
Jetstar Pacific tiếp tục "bay trong cơn bão"
Thông tin từ bản cáo bạch niêm yết của CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines; VNA) cho hay, năm 2018 hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines đạt doanh thu 8.890 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017; lãi sau thuế 34,26 tỷ đồng. Như vậy, đây là năm thứ 2 Jetstar có lãi ròng trong vòng 11 năm.
Trước đó, năm 2015, Jestar báo lãi khoảng 112 tỷ đồng. Đến năm 2016, 2017, hãng hàng không này lỗ lớn, lần lượt ở mức 900 tỷ đồng và 350 tỷ đồng.
Cũng trong bản cáo bạch, năm 2018 Jetstar đã chuyên chở tổng cộng 6,2 triệu lượt khách, tăng 14,3% so với năm trước; tổng số chuyến bay tăng 10,8% lên tổng cộng 40.000 chuyến. Tỷ lệ lấp đầy ghế cũng tăng khoảng 2% so với năm 2017. Do đó, doanh thu từ chuyên chở hành khách tăng trưởng 27,6%, giúp tổng doanh thu tăng trưởng 21%. Tuy nhiên, với mức lợi nhuận khiêm tốn trong năm 2018, lỗ lũy kế của Jetstar Pacific vẫn còn rất lớn, khoảng 4.250 tỷ đồng.
Jetstar Pacific lo luy ke 4.250 ty: Trach nhiem thuoc ve ai?
 
Jestar "con cưng" của Vietnam Airline thường xuyên lỗ
Năm 1991, JPA được thành lập với số vốn góp 40 tỷ đồng của 7 cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước. Năm 1995, JPA trở thành đơn vị thành viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines. Sau đó, phần vốn góp nhà nước được chuyển giao cho Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ.
Năm 2007, Tập đoàn hàng không lớn Australia là Qantas đã mua lại 30% cổ phần của JPA để trở thành cổ đông chiến lược của hãng. Đến tháng 2/2012, Vietnam Airlines một lần nữa trở thành cổ đông lớn nhất của JPA khi tiếp nhận quyền đại diện 70% cổ phần từ SCIC. Hiện nay, các cổ đông của JPA là Vietnam Airlines (nắm 68,86% cổ phần), Qantas (nắm 30% cổ phần) và Saigontourist (nắm 1,14% cổ phần).
Trước khi Vietjet Air gia nhập thị trường hàng không thì Việt Nam chỉ có hai hãng hàng không chính cung cấp dịch vụ bay nội địa. Mặc dù thị trường rộng lớn nhưng JPA không có kết quả kinh doanh khả quan, thậm chí luôn trong tình trạng lỗ.
Cụ thể, giai đoạn 2008 - 2009, JPA báo lỗ tới gần 700 tỷ đồng; doanh thu chỉ 1.700 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân kinh doanh lỗ, ban lãnh đạo của JPA cho biết do ảnh hưởng từ bảo hiểm xăng dầu (fuel hedging) và chi phí phạt do huỷ hợp đồng thuê máy bay đã ký trong năm 2008.
Đến giai đoạn 2010 - 2011, mặc dù không còn chịu tác động từ các khoản chi phí bảo hiểm xăng dầu và phí phạt do huỷ hợp đồng thuê máy bay nhưng JPA vẫn thua lỗ. Đặc biệt, số lỗ năm 2011 lại tăng gấp đôi so với năm 2010, lên hơn 430 tỷ đồng.
Khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông, JPA không những không thoát khỏi tình trạng lỗ mà trái lại số lỗ còn lớn hơn. Cụ thể, hãng hàng không giá rẻ báo lỗ sau thuế gần 900 tỷ đồng năm 2016, lỗ hoạt động kinh doanh 1.000 tỷ đồng trong năm 2017. Tính tới cuối năm 2017, lỗ lũy kế của JPA đã lên tới trên 4.286 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ của công ty.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, hai cổ đông lớn là Vietnam Airlines và Quatas dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung vốn cho JPA và nếu JPA tiếp tục thua lỗ đồng nghĩa với việc vốn của VNA đầu tư vào đây bốc hơi theo những chuyến bay của công ty con mà VNA là cổ đông nắm quyền quyết định.
Ai chịu trách nhiệm về khoản lỗ của hãng hàng không Jestar?
Việc JPA thua lỗ trực tiếp làm mất tài sản các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp mà các cổ đông sở hữu. VNA là cổ đông lớn nhất (nắm 68,86% cổ phần) sẽ thiệt hại nhiều nhất. Vietnam Airlines là doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm 86,16% cổ phần nên thực tế Nhà nước đã gián tiếp gánh lỗ nghìn tỷ ở JPA.
Trong giai đoạn JPA lỗ, theo hồ sơ nhân sự đều có tên các lãnh đạo của Vietnam Airlines hiện nay. Cụ thể, ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines hiện nay từng giữ chức Chủ tịch HĐQT JPA. Thời điểm trên, ông Dương Chí Thành là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines kiêm Chủ tịch HĐQT JPA.
Tiếp đến là ông Lê Hồng Hà, Phó TGĐ Vietnam Airlines hiện nay. Được biết, ông Hà giữ chức Tổng giám đốc của Jetstar trong 3 năm liên tục, từ tháng 3/2012 đến tháng 3/2015. Hiện, ông Hà đang là Phó TGĐ phụ trách thương mại của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.
Ngoài ra, một lãnh đạo đang đương nhiệm của Vietnam Airlines cũng từng giữ chức vụ quan trọng trong Jetstar Pacific là ông Lê Đức Cảnh, Trưởng Ban đầu tư của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Ông Lê Đức Cảnh từng là Kế toán trưởng của hãng hàng không Jetstar.
Câu hỏi được dư luận quan tâm là ai sẽ chịu trách nhiệm cho những khoản lỗ hàng nghìn tỷ tại hãng hàng không Jetstar Pacific?
Theo Thảo Nguyên/VietQ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN