CTCP Tập đoàn Kido (trước đây là Kinh Đô) vốn được biết đến là “vua” bánh kẹo ở Việt Nam.
Tập đoàn này được điều hành bởi nhóm doanh nhân gốc Hoa, trong đó nổi bật là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Trần Kim Thành và người em trai của ông là Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Kido.
|
Anh em gốc Hoa: Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên. |
Chia tay “nồi cơm chính” của Kido
Ông Trần Kim Thành đóng vai trò then chốt trong các chiến lược phát triển của Tập đoàn, không có nhiều thông tin về quá trình công tác của ông ngoại trừ thông tin từ năm 1993 là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô. Từ năm 1978 đến năm 1993 kinh doanh cơ sở bánh kẹo.
Không chỉ sở hữu và điều hành Kido, ông Thành và ông Nguyên còn sở hữu và điều hành một loạt các doanh nghiệp khác. Cụ thể, ngoài cương vị Chủ tịch Kido, ông Trần Kim Thành còn được biết đến với các vai trò: Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG); Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC); Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Kinh Đô (KinhDoLand),…
Trong khi đó, cánh tay phải đắc lực của ông Thành là ông Trần Lệ Nguyên không chỉ được biết đến với vai trò Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc Kido. Ông còn đảm nhận các cương vị khác như: Thành viên HĐQT của các công ty Thiên Long, VOC, Dầu thực vật Tường An, KinhDoLand,… đặc biệt là Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán Rồng Việt.
Dấu ấn đáng nhớ nhất là trong năm 2015, Kido chính thức chuyển mình khi quyết định nói lời chia tay với mảng bánh kẹo vốn mang lại nguồn sống cho công ty từ những ngày sơ khai. Kido quyết định bán 80% mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International với giá 370 triệu USD (7.846 tỷ đồng).
Mondelēz International châu Á - Thái Bình Dương là một chi nhánh của tập đoàn Mondelēz International (Mỹ), chuyên về các sản phẩm bánh quy, chocolate, kẹo gum, kẹo, cà phê và bột pha nước giải khát với doanh thu hơn 5 tỷ USD tại khu vực này.
Theo các chuyên gia lúc bấy giờ nhận định, đây là bước rút khôn ngoan của Kido khi dư địa tăng trưởng của thị trường bánh kẹo không còn nhiều, chỉ còn khoảng trên dưới 10%. Thêm vào đó, số tiền mà đối tác Mondelēz International chi ra để mua mảng này của Kido cũng không hề nhỏ với hơn 9.800 tỷ đồng.
|
Các sản phẩm của Kido trước khi bán lại cho Mondelēz International. |
Ôm mộng mới với mì gói, kem, dầu ăn, chứng khoán…
Hai năm sau khi bán mảng bánh kẹo, đã có những khoảng thời gian Kido chông chênh khi doanh thu và lợi nhuận giảm sút, trong khi ngành nghề mới chưa đem lại lợi nhuận. Công ty gấp rút tìm kiếm các kênh đầu tư mới để bù đắp phần thiếu hụt do bán mảng bánh kẹo.
Ban đầu, Kido đã thử sức ở lĩnh vực từ ngân hàng, chứng khoán đến ngành hàng thực phẩm thiết yếu.
Ở lĩnh vực ngân hàng, Kido dự định rót hơn 1.000 tỷ đồng mua cổ phần tại ngân hàng Đông Á. Một lãnh đạo Kido từng cho biết đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư và đang trong quá trình thẩm định, đánh giá khả năng đầu tư vào ngân hàng.
Sau đó, thương vụ đã không được thực hiện, và đây được coi là một bước lùi có phần may mắn của Kido, bởi chỉ ít lâu sau đó ngân hàng Đông Á đã bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt và hàng loạt các biến cố xảy ra.
Tiếp đó, Tổng giám đốc Kido Trần Lệ Nguyên được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán Rồng Việt sau khi chi tiền mua lại 24,5 triệu cổ phiếu tương ứng nắm gần 70% vốn. Đây được cho là bước đệm để thực hiện các sứ mệnh M&A cho KIDO trong tương lai.
Bên cạnh đó, Kido quyết định dấn thân vào thị trường thực phẩm và gia vị với ngành hàng lạnh là các sản phẩm kem, sữa, thực phẩm đông lạnh; cùng hàng khô như dầu ăn, mì ăn liền, hạt nêm, nước chấm, cà phê, thực phẩm đóng gói tiện lợi… với slogan mới “Lấp đầy gian bếp Việt”.
Đây cũng là thời điểm Công ty đổi tên thành Tập đoàn Kido và ồ ạt tiến hành M&A với loạt tên tuổi khác như Tường An (TAC), Vocarimex, Thực phẩm Đông lạnh Kido, Dabaco (DBC) và đang lên kế hoạch mua Golden Hope Nhà Bè (hiện Vocarimex đang nắm 49%),…
|
Các sản phẩm ngành lạnh của Kido. |
… và bất động sản
Bất động sản có thể là lĩnh vực khiến anh em họ Hoa đau đầu nhất vì dính đến nhiều tai tiếng.
Khu “đất vàng” 8-12 đường Lê Duẩn diện tích gần 5.000 m2 có 3 mặt tiền giáp các tuyến đường trung tâm quận 1 đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong đó có việc giao và cho thuê đất với giá rẻ, làm thất thoát ngân sách.
Ban đầu khu đất được giao cho Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý và cho 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê. Sau đó, 4 công ty này từng chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư KIDO) quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất nói trên.
Tháng 6/2011, UBND TP.HCM lại có quyết định chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Lavenue sử dụng toàn bộ diện tích khu đất này để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.
Lavenue hiện là công ty liên doanh của Kido (Kido nắm giữ 50% vốn). Do dự án chưa triển khai, Kido liên tục chịu lỗ trong thời gian gần đây liên quan đến công ty. Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng đất vàng ở Trung tâm TP HCM với giá rẻ đang khiến Kido đứng trước nguy cơ phải trả lại đất, dù chưa được hưởng lợi gì từ dự án.
|
Một trong những khu đất tai tiếng của Kido. |
Kido cũng từng đầu tư một dự án bất động sản khác tại quận Thủ Đức - TP.HCM, thông qua Công ty TNHH Tân An Phước (TAP). Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, sau 12 năm với bao lần khởi công hụt Kido đã chính thức từ bỏ dự án này bằng việc chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp cho nhóm các nhà đầu tư khác.
Một dự án khác có bóng dáng của công ty này là dự án SJC Tower nằm tại khu tứ giác Lê Lợi - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rộng 4.000 m2 với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD. Chủ đầu tư dự án SJC Tower là Công ty Sài Gòn Kim Cương.
Công ty này được thành lập vào năm 2007 với các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, Công ty Cổ phần Hùng Vương, Kido và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á.
Mặc dù nắm cổ phần trong một dự án tại vị trí đắc địa, nhưng Kido của anh em Trần Kim Thành sau đó cũng chuyển nhượng 50% vốn góp tại đây cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) để thu về 425 tỷ đồng.
Hiện tại định hướng của Kido là đi theo ngành lạnh như các sản phẩm kem, sữa, thực phẩm đông lạnh; cùng hàng khô như dầu ăn, mì ăn liền, hạt nêm, nước chấm, cà phê, thực phẩm đóng gói tiện lợi…
Hướng đi này có khả quan không và liệu bao giờ “thấy Kinh Đô là thấy Tết” như slogan thời hoàng kim bánh kẹo của Kido…