Gồng sức hỗ trợ nền kinh tế, lợi nhuận vẫn vượt mục tiêu đề ra
Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho hay, năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nông nghiệp - lĩnh vực đầu tư chính của Agribank bị tác động tiêu cực. Tuy nhiên, Agribank vẫn hoàn thành mục tiêu kép: vừa hỗ trợ nền kinh tế, vừa điều hành hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Cụ thể, Agribank tiên phong hỗ trợ khách hàng với 7 lần giảm lãi suất cho vay, 9 lần giảm phí dịch vụ, tích cực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Chỉ thị 02/CT-NHNN và Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với mức hỗ trợ trên 38.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lại nợ trên 33.000 tỷ đồng với trên 14.000 khách hàng; miễn, giảm lãi trên 5.000 tỷ đồng với trên 1.400 khách hàng; thực hiện cho vay mới đối với các khách hàng bị ảnh hưởng của Covid-19 gần 120.000 tỷ đồng với trên 20.000 khách hàng, trong đó cho vay theo chương trình ưu đãi lãi suất hơn 74.000 tỷ đồng.
|
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 12.869 tỷ đồng, vượt 369 tỷ đồng (xấp xỉ 3%) so với kế hoạch đề ra. |
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, Agribank vẫn sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và 14 triệu hộ nông dân Việt Nam vượt qua khó khăn, đón thời cơ phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ngân hàng đang triển khai chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, dành 70.000 tỷ đồng và 150 triệu USD cho các gói tín dụng có lãi suất ưu đãi dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp...
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng, tăng 8,1%, trong đó gần 70% dư nợ dành cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thu hồi nợ xấu sau xử lý của Ngân hàng tiếp tục tích cực với con số trên 8.700 tỷ đồng.
Nhờ triển khai các giải pháp quyết liệt, năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 12.869 tỷ đồng, vượt 369 tỷ đồng (xấp xỉ 3%) so với kế hoạch đề ra, đủ điều kiện để ngân sách cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo phương án đã được Quốc hội phê duyệt.
Bên cạnh đó, Agribank thực hiện tiết giảm chi phí, giảm lương nhân viên, ủng hộ gần 50 tỷ đồng công tác phòng, chống dịch Covid-19 và ủng hộ các tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lũ.
Việc hoàn thành 9/9 chỉ tiêu kinh doanh, trong đó có những chỉ tiêu tăng trưởng rất ấn tượng như tổng tài sản tăng 8%, vốn huy động thị trường 1 tăng 11,3%, thu dịch vụ tăng 6,2%... được NHNN đánh giá cao.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng biểu dương Agribank tiên phong giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô lớn, Dòng vốn tín dụng tại Agribank đã được tập trung vào sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ cao..., phù hợp với chủ trương của Chính phủ và NHNN.
Tăng vốn vẫn là bài toán khó
Năm 2021, Agribank đặt mục tiêu tín dụng tăng 8-11%, lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 10%, thu từ dịch vụ tăng 6-8%, thu hồi nợ xấu sau xử lý tối thiểu 9.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu tăng tín dụng 8-11%, ông Tiết Văn Thành cho biết, Agribank phải được tăng vốn điều lệ thêm 10.000 tỷ đồng để đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn. Nếu không được khẩn trương tăng vốn, không có cơ chế tháo gỡ khó khăn, thì Agribank sẽ phải hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Về cổ phần hóa, Thông đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị, lãnh đạo Agribank khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị nguồn lực để tập trung hoàn thành sớm việc cổ phần hóa Agribank theo quy định.
Tăng vốn cũng là mục tiêu duy nhất trong 10 mục tiêu của Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 mà Agribank không đạt được. Các mục tiêu còn lại như tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế, dư nợ nền kinh tế, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 01/2020/TT-NNNN… đều được hoàn thành rất tốt.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, quy mô vốn điều lệ và vốn tự có của Agribank còn thấp và tăng trưởng chậm hơn so với tốc độ tăng quy mô hoạt động kinh doanh, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và yêu cầu nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, chưa đáp ứng yêu cầu lộ trình triển khai tái cơ cấu. Nguyên nhân chủ yếu là việc tăng vốn điều lệ của Agribank phụ thuộc vào việc sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước cần có phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.
Giải pháp tăng vốn dài hơi cho Agribank là cổ phần hóa. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, công tác chuẩn bị cổ phần hóa đã được Agribank chủ động thực hiện, nhưng do đặc thù về quy mô và nguồn gốc hình thành tài sản, mạng lưới, con người và hoạt động kinh doanh, nên quá trình này còn nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài, chưa thể triển khai thực hiện cổ phần hóa.
Việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất chậm hơn so với dự kiến, vẫn còn 194 cơ sở nhà, đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt. Phương án xử lý tài chính dự kiến gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khó hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo, năm 2021, Hội đồng Thành viên, Ban Điều hành Agribank cần tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục chủ động áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính của Agribank thông qua triển khai các giải pháp để tăng vốn từ nội lực và chủ động đề xuất, phối hợp với bộ, ngành có liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền việc tăng vốn điều lệ cho Agribank.