Khu công nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch sản xuất

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo đánh giá triển vọng ngành bất động sản (BĐS) khu công nghiệp (KCN) năm nay.

Theo SSI Research, nhu cầu thuê đất tăng mạnh do việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dịch COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động dịch chuyển trong vài năm trở lại đây và Việt Nam được cho là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng này

Trong khi năm 2020 đặt ra nhiều thách thức lớn, báo cáo cho rằng một khi dịch bệnh lắng xuống, nhu cầu đối với các KCN Việt Nam sẽ tăng đáng kể do nhiều công ty quốc tế trước đó đã chuẩn bị chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Việc chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là một xu hướng lớn có khả năng tăng tốc thời kỳ hậu COVID-19. Một số công ty lớn đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Microsoft, Google…Trong quý I/2021, Oppo có kế hoạch thuê 62,7 ha tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và Pegatron sẽ thuê đất trong Deep C. IP.

Khu cong nghiep tiep tuc huong loi tu lan song chuyen dich san xuat
Ảnh: VGP.

Triển vọng tăng trưởng cũng thể hiện ở việc quy hoạch KCN mới của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025 có thể gia tăng diện tích, đặc biệt đối với các KCN lớn với tổng diện tích đất trên 1.000 ha đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.

Các dự án cơ sở hạ tầng như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bắc – Nam, cảng Cái Mép – Thị Vải và Gemalink có thể giúp kết nối thuận tiện hơn với KCN. SSI Research cho rằng KCN Châu Đức (Sonadezi Châu Đức - SZC), Phú Mỹ (Idico - IDC), VSIP và Becamex có thể hưởng lợi từ xu hướng nêu trên.

Giá cho thuê đất KCN tại Việt Nam thấp hơn khoảng 25 - 30% so với Indonesia và Thái Lan - các quốc gia hưởng lợi từ dòng vốn FDI. Giá đất KCN trong nước được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 7-8% tại khu vực phía Nam và 5-6% tại khu vực phía Bắc trong năm 2021.

Các KCN với diện tích cho thuê còn lại lớn như Sonadezi Châu Đức, Idico, Becamex, Nam Tân Uyên (NTC) và Tổng công ty Kinh Bắc (KBC) được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2021. Ngược lại, công ty KCN Hiệp Phước (HPI) và Long Hậu (LHG) có thể ghi nhận giảm lợi nhuận do vướng mắc trong công tác đền bù và giải tỏa mặt bằng.

Gia Lai

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN