Huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 528.720 tỷ đồng, tăng 40.013 tỷ đồng, tỷ lệ tăng ổn định 8,2% so với đầu năm. Trong khi đó, quy mô tín dụng đạt 344.033 tỷ đồng, tăng 3,04% so với 31/12/2019.
Hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm ghi nhận kết quả tích cực từ các hoạt động phi tín dụng với lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán và kinh doanh ngoại hối đạt hơn 300 tỷ đồng và thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 618 tỷ đồng.
Hoạt động dịch vụ của SCB tăng trưởng ổn định trong các năm gần đây phản ánh chiến lược tái cấu trúc với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng truyền thống. Trong các dịch vụ tài chính cá nhân cung cấp cho khách hàng, SCB ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động Bancassurance với doanh số kinh doanh bảo hiểm khá cao.
Đối với hoạt động tín dụng, SCB cũng bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, tuy nhiên quá hạn và nợ xấu vẫn nằm trong giới hạn cho phép, lần lượt là 1,23% và 0,67%.
Về kết quả kinh doanh, SCB chỉ đạt lợi nhuận khiêm tốn 28,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm do Ngân hàng ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, SCB đã trích lập 2.174 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên gần 14.000 tỷ đồng.
Cũng trong quý 2/2020, Đại hội đồng cổ đông SCB thông qua việc tăng vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ lên mức 20.231 tỷ đồng. Thông tin từ phía ngân hàng cho biết, SCB đang xúc tiến việc phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trước mắt, việc tăng vốn lần này để bổ sung năng lực vốn và năng lực tài chính trong bối cảnh toàn hệ thống TCTD đang khẩn trương đáp ứng yêu cầu vốn theo Basel II.
Song song đó, về lâu dài, SCB vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp để cùng tham gia vào tái cơ cấu Ngân hàng và thực hiện các mục tiêu dài hạn.