Cụ thể, ông Nguyễn Hòa Hiệp mua 1,45 triệu cổ phiếu TEL, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên mức 29%. Song song đó, ông Lại Trung Dũng mua vào 1 triệu cổ phiếu TEL, nâng sở hữu từ 4,62% lên mức 24,62%. Được biết 2 cá nhân này trở thành cổ đông lớn của Telcom vào ngày 1/10.
Trước đó, VNPT đăng ký bán đấu giá 2,45 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn Telcom. Được biết, giá khởi điểm mà VNPT đưa ra là 21.801 đồng/cp, gấp 3 lần giá cổ phiếu tại thời điểm công bố thông tin.
Nhiều khả năng ông Nguyễn Hòa Hiệp cùng với ông Lại Trung Dũng mua số cổ phần từ VNPT. Ước tính theo giá khởi điểm, hai cá nhân trên đã chi ra hơn 53 tỷ đồng để nắm 49% vốn TEL.
Telcom trước đây là Công ty Công trình bưu điện thuộc Tổng cục Bưu điện, được thành lập vào năm 1954. Năm 1961 đến tháng 11/2004 là Công ty Công trình bưu điện. Sau đó doanh nghiệp này được chuyển đổi thành công ty CP theo Quyết định số 59/2004/QĐ-BBCVT ngày 30/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông.
Telcom đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UPCoM vào cuối năm 2017 với mức giá tham chiếu 10.800 đồng/cp. Giai đoạn đầu cổ phiếu lên sàn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư và giá tăng lên vùng 12.000 đồng/cp nhưng sau đó dần giảm về vùng 7.000 đồng/cp kèm thanh khoản kém, gần như không có giao dịch.
Trong thời gian VNPT thoái vốn, cổ phiếu TEL có biến động mạnh, có lúc đạt đỉnh 19.500 đồng/cp trước khi lao dốc về vùng giá 11.500 đồng/cp. Hiện tại, cổ phiếu này đang giao dịch tại mức giá trần 13.200 đồng/cp trong phiên hôm nay.
Hoạt động kinh doanh của Telcom lao dốc trong nhiều năm gần đây, doanh thu giảm từ 80 tỷ năm 2016 xuống 57 tỷ đồng năm 2019. Lỗ ròng vào các năm 2016 và 2018 lần lượt 2,5 tỷ và 11 tỷ đồng, năm 2019 lãi hơn 1 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, Công ty còn lỗ lũy kế gần 10 tỷ đồng.