“Ông lớn” VNPT dính hàng loạt sai phạm

Phó thủ tướng chỉ đạo VNPT tổ chức kiểm điểm cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm...

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và hoạt động kinh doanh, quản lý thu chi tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

 Theo Thanh tra Chính phủ, qua quá trình thanh tra, kiểm tra tại đơn vị này cho thấy, hiệu quả kinh doanh của VNPT đạt mức tăng trưởng cao, vốn chủ sở hữu của nhà nước tại đơn vị này tăng từ 39.955 tỷ đồng năm 2006 lên 69.498 tỷ đồng năm 2010; hệ số nợ phải trả ở mức đảm bảo chủ động về kế hoạch tài chính…

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản từ 2006 - 2011 tại VNPT và một số đơn vị thành viên còn để xảy ra một số khuyết điểm, vi phạm.

Cụ thể, việc bàn giao vốn điều lệ cho Tổng công ty Bưu chính (VNPost) và quản lý các quỹ không đúng theo quy định. VNPT bàn giao vốn điều lệ cho VNPost chưa đúng thời gian quy định 796 tỷ đồng, trong đó việc xác định giá trị chênh lệch 253 tỷ đồng của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) sau khi đánh giá lại trong tổng số 6.576 tỷ đồng vốn điều lệ mà VNPT đã bàn giao lại cho VNPost là chưa phù hợp do tài sản của VPSC thuộc VNPost.

Bên cạnh đó, VNPT còn nộp chậm quỹ Viễn thông công ích (VTCI) 73,3 tỷ đồng; chưa xác định số phải nộp quỹ năm 2011 và 2012. Riêng Công ty Thông tin di động (VMS) đã trích vượt chi phí nộp quỹ VTCI đến năm 2011 lên tới hơn 193 tỷ đồng, nhưng lại chưa nộp năm 2011 là hơn 496 tỷ đồng.

Về quản lý đầu tư, mua sắm tài sản, trong giai đoạn 2006 – 2011, VNPT đã triển khai một khối lượng lớn các dự án đầu tư, trong đó tổng mức đầu tư liên tục được thay đổi, trong khi tiến độ lại chậm dẫn đến hiệu quả đầu tư tăng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Tại một số dự án, do việc khảo sát, tính toán sai thực tế, đánh giá thị trường chưa tốt đã dẫn đến lãng phí về tài sản , thiết bị, quá trình kinh doanh không hiệu quả. Đơn cử như dự án cáp đồng hiện còn tồn đọng vật tư lên tới hơn 70 tỷ đồng, dự án Cityphone lỗ và tài sản không khấu hao được lên tới hơn 168 tỷ đồng…

Đặc biệt, việc quyết định dự án Vinasat 1 và 2 với tổng vốn đầu tư lên tới 9.280 tỷ đồng, tuy đạt được mục tiêu về chính trị - xã hội, nhưng đến thời điểm năm 2011 dự án này chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch được phê duyệt, với số lỗ vượt dự kiến lên tới 329 tỷ đồng.

Về quản lý đầu tư tài chính dài hạn của VNPT, đến thời điểm cuối năm 2011, VNPT đã đầu tư góp vốn vào 86 doanh nghiệp với tổng giá trị 3.273 tỷ đồng, trong đó: 38 doanh nghiệp thu được 322 tỷ đồng lợi nhuận; 28 doanh nghiệp có vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu về đạt thấp. Đặc biệt, với số tiền hơn 723 tỷ đồng rót vào 20 doanh nghiệp và quỹ khác nhưng không thu được lợi nhuận, gây lãng phí vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện VNPT chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với 11 đơn vị. Ngoài ra, do yếu kém và sai phạm trong quản lý tại Công ty Tài chính Bưu điện đã khiến cho doanh nghiệp này thua lỗ, mất vốn lớn, đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận.

Ngoài ra, VNPT cũng để xảy ra một số sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai tại 19 đơn vị bưu chính, viễn thông, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, sử dụng sai mục đích đối với khu đất C30 rộng 40ha tại TPHCM.

Về việc quản lý doanh thu, chi phí, kết quả hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, Thanh tra Chính phủ cho biết VNPT cũng để xảy ra nhiều tồn tại, trong đó đáng chú ý là việc kết quả kinh doanh chưa được phản ánh đúng với thực tế khi tập đoàn cho phép điều tiết doanh thu giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc bằng việc xuất thẻ di động trả trước hơn 4.496 tỷ đồng khiến cho đơn vị kinh doanh có lãi trở thành lỗ và ngược lại.

Đặc biệt, kết quả kinh doanh của VNPT từ 2006 đến 2010 không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận đề ra, dẫn đến kết quả vốn chủ sở hữu đến cuối 2010 chưa được bổ sung, thiếu hơn 2.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc trích quỹ khen thưởng phúc lại tại VNPT trong 2 năm 2007 và 2009 lên tới hơn 1.100 tỷ đồng.

Với thực tế như trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chủ quản của VNPT thẩm định và đề xuất Thủ tướng phê duyệt đề án tổ chức, sắp xếp lại mô hình hoạt động của VNPT, điều chỉnh và xử lý những tồn tại đã phát hiện liên quan đến trách nhiệm của các bộ.

Đối với VNPT, Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên vì đã có liên quan đến những vi phạm nói trên, đặc biệt là các sai phạm tại Công ty Tài chính Bưu điện và Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI).

Cùng với đó, kiến nghị các bộ, ngành vào cuộc xử lý về kinh tế, thu hồi về cho ngân sách 105 tỷ đồng do VNPT chưa thực hiện; giao Bộ Tài chính chủ trì đề xuất giải pháp và xử lý một số nội dung: bổ sung vốn điều lệ 2.739 tỷ đồng; các khoản nợ phải thu khó đòi đã trích lập dự phòng tại công ty VTI gần 46 triệu USD và một số khoản chưa phù hợp khác lên tới hơn 2.600 tỷ đồng.

Được biết, ngày 17/7 vừa qua, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ đã có văn bản đồng ý với những kết luận của Thanh tra Chính phủ tại VNPT. Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT tổ chức thực hiện kiểm điểm cá nhân, tổ chức có liên quan đến sai phạm, trừ vụ việc xử lý nợ khó đòi tại VTI, báo cáo lên Thủ tướng trong tháng 9/2013.

VNPT lại xin sáp nhập VinaPhone - MobiFone

Trong khi Bộ Thông Tin và Truyền thông có quan điểm duy trì ít nhất 3 mạng di động có thị phần tương đương trên thị trường thì VNPT vẫn trình sáp nhập MobiFone-VinaPhone.

Sau khi Bộ Thông tin Truyền thông ban hành chỉ thị về nguyên tắc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được cho là sẽ phải đề xuất phương án khác thay cho đề xuất sáp nhập hai mạng di động VinaPhone - MobiFone nhưng tập đoàn này vẫn đề xuất phương án sáp nhập.

Trong chỉ thị trên, Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu, đối với một số thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng (cố định, di động, internet băng thông rộng…) cần đảm bảo mỗi thị trường có ít nhất ba doanh nghiệp mạnh tham gia hoạt động nhằm thúc đẩy cạnh tranh… Theo tinh thần chỉ thị này thì thị trường viễn thông di động sẽ là nơi cạnh tranh của ba doanh nghiệp mạnh Viettel, MobiFone và VinaPhone, bởi ba doanh nghiệp này chiếm tới 95% thị phần.

Các chuyên gia cho rằng, VNPT cần phải đề xuất phương án khác thay cho đề nghị sáp nhập VinaPhone - MobiFone thì mới mong đạt được sự chấp thuận cho kế hoạch tái cơ cấu của mình.

Thế nhưng, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông của Bộ Thông tin Truyền thông, cho biết VNPT vẫn đề xuất lên bộ này và các bộ ngành liên quan cho sáp nhập hai mạng di động MobiFone - VinaPhone. Bộ Thông tin Truyền thông giao cho Cục Viễn thông xem xét đề xuất này.

Cục Viễn thông đang nghiên cứu, phân tích xem việc sáp nhập của hai mạng này tác động thế nào đến toàn bộ thị trường, liệu có đảm bảo duy trì cạnh tranh lành mạnh hay không.

“Bộ Thông tin Truyền thông đang tổ chức nghiên cứu việc sáp nhập hai mạng này và hiện chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, quan điểm của bộ là phải duy trì ít nhất ba doanh nghiệp tương đương nhau trên thị trường. Từ giờ đến cuối năm, bộ sẽ có ý kiến chính thức về việc sáp nhập hai mạng MobiFone  - VinaPhone", ông Hải nói.

Phát biểu tại tọa đàm “Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?” được Câu lạc bộ nhà báo Công nghệ Thông tin tổ chức mới đây, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng không nên sáp nhập hai mạng di động trên bởi thị trường viễn thông di động có đặc thù là số lượng doanh nghiệp tham gia hạn chế nên một trong những cách để tạo cạnh tranh là cổ phần hóa. Cổ phần hóa không đơn thuần là chuyện kiếm thêm ít tiền từ nhà đầu tư, bán cổ phần để thu ít tiền cho ngân sách Nhà nước, mà còn tạo thêm đối tác chiến lược.

Ông Thành cho rằng, khi cổ phần hóa thì đối tác chiến lược đem vào kỹ năng quản trị, công nghệ, cách thức dịch vụ mới, tạo tiêu chuẩn để các doanh nghiệp khác phải theo. Đó là cách thức tạo áp lực cạnh tranh trên thị trường. “Nguyên lý của cạnh tranh là không phải bảo vệ những người đang chơi trên thị trường mà là bảo vệ áp lực cạnh tranh,” ông Thành nói.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

“Không có chuyện đánh úp dân khi tăng giá xăng trong đêm“

(Kiến Thức) - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng quản lý giá, Bộ Tài chính bác bỏ ý kiến cho rằng tăng giá xăng khi người dân mải… xem bóng đá ngày 17/7 vừa qua.

20h ngày 17/7 vừa qua, giá bán lẻ xăng RON 92 được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng tối đa 468 đồng/lít, nâng giá bán lẻ mặt hàng này lên mức cao nhất cho phép là 24.578 đồng/lít. Mức giá mới tăng này chỉ kém 2 đồng mỗi lít so với mức kỷ lục được thiết lập ngày 28/3 là 24.580 đồng/lít.

Việc tăng giá bán xăng dầu lại được thực hiện trong đêm khi trận bóng đá giao hữu giữa Việt Nam và Arsenal đang diễn ra khiến nhiều người tỏ ý nghi ngờ bị Bộ Tài chính và các doanh nghiệp “đánh úp”, lợi dụng tăng giá xăng khi người dân mải mê xem bóng đá. Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, cư dân mạng còn chế hàng loạt ảnh hài hước về việc giá xăng tăng khi trận bóng hấp dẫn đang diễn ra.

Ảnh chế về việc tăng giá xăng trong tối ngày 17/7 vừa qua của cư dân mạng.
Ảnh chế về việc tăng giá xăng trong tối ngày 17/7 vừa qua của cư dân mạng. 

Tuy nhiên, sáng nay (19/7), Bộ Tài chính đã chính thức lên tiếng bác bỏ những suy diễn nói trên. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu thực hiện rất nghiêm túc theo Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. 

“Về việc điều chỉnh giá xăng dầu ngày 17/7 vừa qua có ý kiến cho rằng có phải điều chỉnh trong lúc người dân mải mê xem bóng đá trận giao hữu Việt Nam – Arsenal hay không, xin thưa rằng không có chuyện đó. Việc điều chỉnh giá xăng dầu được tiến hành đồng loạt trên cả nước chứ không riêng gì Hà Nội, giá điều chỉnh thích hợp với việc thống kê, điều hành giá xăng dầu”, ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Tuấn, cơ quan quản lý đã theo dõi rất sát sao diễn biến giá xăng dầu thế giới, đặc biệt là có sự tham chiếu, đánh giá theo quy định của pháp luật. 

Ngày 1/7, sau khi tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về việc giá cơ sở đang cao hơn giá bán lẻ và đề nghị được tăng giá, Bộ Tài chính nhận thấy, ngày 28/6, doanh nghiệp đã có một lần điều chỉnh giá xăng dầu nên đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kiềm chế, không tăng ngay, tiếp tục theo dõi bởi diễn biến giá xăng dầu thế giới không ổn định, lúc tăng, lúc giảm. 

Sau đó, dưới áp lực tăng của giá xăng dầu thành phẩm thế giới, ngày 17/7 vừa qua, Bộ Tài chính đã thống nhất với Bộ Công thương và tính toán thấy giá cơ sở đang cao hơn giá bán lẻ từ 726 đồng đến 988 đồng.

“Mức chênh này rất cao, chúng tôi nhận thấy nếu để doanh nghiệp tự điều chỉnh giá bán lẻ theo như vậy sẽ tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh và chỉ số CPI, sau khi lựa chọn các phương án điều hành thì Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp phải cắt giảm 2/3 lợi nhuận định mức đối với mặt hàng xăng. Nghĩa là trong lợi nhuận định mức, các doanh nghiệp được hưởng 300 đồng/lít thì từ ngày 17/7, yêu cầu doanh nghiệp cắt giảm 200 đồng, chỉ còn hưởng lợi nhuận 100 đồng/lít. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn nâng mức Qũy bình ổn giá cho mặt hàng dầu hỏa và diezen từ 200 đồng lên 300 đồng/lít. Sau khi bù đắp như vậy thì giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ từ 126 đồng – 400 đồng nên BTC giao cho DN rà soát và điều chỉnh giá vào ngày 17/7 nhưng không được cao hơn mức tối đa theo quy định của Bộ Tài chính”, ông Tuấn phân tích.

Nhận định thêm về đợt tăng giá mới này, ông Tuấn tính toán, việc tăng giá xăng, dầu có thể tác động khoảng 0,1% tới chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi biễn biến giá cả những mặt hàng có thể bị tác động trong thời gian tới để quản lý chặt chẽ và tham mưu cho Chính phủ giúp bám sát mục tiêu lạm phát năm nay.