Ngày 24/4/2017, Báo Tiền Phong đưa tin: Trước thông tin được báo chí phản ánh về tình trạng hơn 6000 m2 đất công trên đường Phan Kế Bính (Hà Nội) bị biến thành nhà hàng, bãi đỗ xe, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu UBND quận Ba Đình rà soát, báo cáo về công tác quản lý, sử dụng đất tại địa bàn.
![]() |
Đất công trên đường Phan Kế Bính bị biến thành nhà hàng, bãi đỗ xe. Ảnh: Tiền Phong. |
Thực trạng “xẻ thịt” đất công cũng xảy ra tại Viện Kinh tế và Quản lý thuỷ lợi (trực thuộc Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam) khi đơn vị này tự ý cho Ngân hàng Đông Á thuê làm phòng giao dịch. Mặc dù không được phép kinh doanh và xây dựng ki ốt trong diện tích khuôn viên đất công, thế nhưng, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội vẫn “vô tư” xẻ đất công xây dựng kiên cố nhiều ki ốt để cho thuê. Tương tự, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã xây dựng 18 ki ốt trong khuôn viên nhà trường, sau đó ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Đông Thành Vinh để ủy quyền cho đơn vị này khai thác, thu lợi nhuận và có trách nhiệm đóng lại cho trường cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Tiếp đó, 11/4, báo Thương hiệu và Pháp luật đưa tin, nhiều năm trước, chính quyền quận Tây Hồ đã quy hoạch khu đất tại phường Xuân La để xây dựng Khu phục vụ thể thao của quận Tây Hồ, tuy nhiên, thay vì đẩy nhanh tiến độ dự án vốn đã chậm trễ, chính quyền địa phương đã chia cắt hàng nghìn mét vuông đất công bằng phẳng để lập nhà hàng kinh doanh. Một trong những nhà hàng được nhắc tới đầu tiên và đang tồn tại trên khu đất này là quán bia Thu Hằng có địa chỉ số 101 đường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. Với quy mô rộng lớn lên tới hàng nghìn mét vuông, ngày nào cũng nhộn nhịp khách hàng ăn nhậu.
Ngày 18/4, Báo Tài Nguyên và Môi trường cho biết, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) đã “xẻ thịt” những lô đất vàng được bố trí xây dựng trụ sở các tổng công ty trên địa bàn hai quận là Cầu Giấy và Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) để làm kho xưởng, nơi kinh doanh, buôn bán. Bằng cách chia nhỏ ô đất để cho nhiều tổ chức, cá nhân khác thuê lại làm gara ô tô, salon ô tô, nhà hàng, quán cà phê, xưởng cơ khí, quán ăn…
Tiếp đó, ngày 22/4, báo điện tử Vn Media thông tin, khu công viên thể thao cây xanh Hà Đông nằm trên địa bàn 2 phường Kiến Hưng và Hà Cầu vốn được xem là một tổ hợp công viên thể dục thể thao giải trí hiện đại lại đang có hàng trăm công trình như sân tập gôn, nhà hàng, chợ tạm, kho xưởng... hoạt động.
"Xẻ thịt" đất công tại Công viên Hà Đông. Ảnh: VN Media |
Mặc dù vậy, danh sách các điểm nóng về công tác quản lý, sử dụng đất công lại tiếp tục được nối dài… Phải chăng, chế tài xử phạt hành vi “xẻ thịt” đất công để tư lợi là quá nhẹ, không đủ sức răn đe? Mong rằng, vụ việc hơn 6000 m2 đất công trên đường Phan Kế Bính bị biến thành nhà hàng, bãi đỗ xe sẽ giống như giọt nước tràn ly giúp cho các cơ quan quản lý tìm ra những giải pháp kiên quyết hơn, hữu hiệu hơn để giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm đất công làm của riêng.