Những hiện vật đặc biệt ngày 30/4 ít người biết đến
Ngày 30/4 không chỉ được kể qua chiến công vang dội, mà còn hiện lên từ những “hiện vật vô hình”. Một trong số đó có thể kể đến ngôi mộ gió và những bức thư tay của anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao.
Có những hiện vật không trưng bày trong bảo tàng, không làm bằng kim loại, súng đạn hay cờ xí… nhưng lại mang giá trị lịch sử vô giá. Trong dòng ký ức về ngày thống nhất 30/4, Đại tá, nhà thơ, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng – người sáng lập Tổ chức “Trái tim Người lính” – đã nhắc đến một kỷ vật đặc biệt mà theo ông, “đó là biểu tượng sống động cho sự hy sinh của những người lính trí thức, thầm lặng góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng”.
Hiện vật ấy không nằm trong kho lưu trữ chính thức, mà tồn tại như một di sản sống: hàng trăm bức thư tay của liệt sĩ – nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao, được ông Hưng sưu tầm, biên soạn thành cuốn sách “Sống để yêu thương và dâng hiến”.
Hình ảnh cuốn sách Sống để yêu thương và dâng hiến được đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm từ những lá thư của anh hùng liệt sỹ, nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao
“Không phải vũ khí, quân phục hay cờ giải phóng, mà đôi khi, những lá thư tay – những mảnh giấy mỏng manh còn lại từ chiến tranh – mới là thứ chứa đựng sâu sắc nhất tinh thần thời đại 30/4” – Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ khi nhắc đến hiện vật mà ông từng nâng niu: tập thư của liệt sĩ Hoàng Kim Giao.
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc huy hoàng của chiến thắng, nhưng ẩn sâu trong ký ức của các cựu binh, các nhà sưu tầm – lại là những “chứng tích mềm” mà không phải ai cũng từng được biết đến. Trong hành trình tìm lại những ký ức sống động từ chiến tranh, Đại tá Đặng Vương Hưng cho rằng: “Những lá thư thời chiến không chỉ kể lại chiến tranh, mà còn là một phần của chiến thắng. Chúng là hiện vật tinh thần quan trọng không kém gì xe tăng, súng đạn”.
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập Tổ chức Trái tim người lính và Tủ sách Mãi mãi tuổi 20.
“Liệt sĩ Hoàng Kim Giao – quê ở Hải Phòng – sinh năm 1948, là một nhà khoa học trẻ rất đặc biệt. Anh được đào tạo bài bản, sở hữu hai bằng đại học chính quy về vật lý hạt nhân và toán học. Đặc biệt, anh còn tự học và sử dụng được nhiều ngoại ngữ như tiếng Nga, Trung, Pháp, Tây Ban Nha… Một trí thức xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên,” ông Đặng Vương Hưng chia sẻ.
Năm 1968, khi mới 20 tuổi, Hoàng Kim Giao được giao nhiệm vụ tham gia một đề án tuyệt mật: phá bom từ trường và thủy lôi – thứ vũ khí mà không quân Mỹ dùng để phong tỏa cảng Hải Phòng và tuyến tiếp vận chiến lược Trường Sơn. Kết quả, anh cùng đồng đội đã tháo gỡ hàng ngàn quả bom nguy hiểm. “Riêng anh trực tiếp tháo gỡ hàng chục quả,” ông Hưng cho biết.
Chân dung anh hùng liệt sỹ, nhà khoa học trẻ Hoàng Kim Giao
Bi kịch xảy ra vào đúng lúc nhiệm vụ tưởng như đã hoàn thành. Trên đường trở lại Hà Nội để báo cáo, anh được nhờ phá một quả bom còn sót ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. “Dù không thuộc nhiệm vụ được giao, anh vẫn nhận lời. Đó là lần ra quân cuối cùng trong đời,” ông Hưng xúc động kể lại.
Quả bom nặng 300kg bất ngờ phát nổ. Thi thể của hai chiến sĩ – Hoàng Kim Giao và đồng đội lái xe – tan vào đất. “Địa phương huy động tới hai trung đội dân quân để tìm thi thể, nhưng sau nhiều giờ chỉ thu được hơn một kilogram các mảnh thi thể còn sót lại… Để có thể lo liệu việc mai táng, người dân đã đặt thêm củ chuối và vài con cá nhỏ vào hai quan tài – như một cách tượng trưng cho xương cốt”.
Đám tang của anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Ảnh Phùng Nguyên - Báo Tiền Phong.
Ngày nay, tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, Nghệ An, có một ngôi mộ đặc biệt: mộ gió của liệt sĩ Hoàng Kim Giao – không hài cốt, chỉ là biểu tượng. “Có lần, tôi đưa sinh viên Câu lạc bộ ‘Mãi mãi tuổi 20’ đến thăm mộ anh. Khi tôi nói đó là ‘mộ gió’, các em hỏi lại: ‘Mộ gió là gì?’ – Tôi trả lời: là ngôi mộ không có hài cốt. Rồi các em lại hỏi: ‘Thế hài cốt liệt sĩ ở đâu?’ – Tôi không biết phải giải thích thế nào… Bởi thực tế, với những chiến sĩ đặc công, không quân, hải quân, hoặc những người mang khối thuốc nổ rất lớn lao vào chiến trường… khi hy sinh thì thân xác họ tan ra cùng nhiệm vụ. Như lời một bài hát: "Hài cốt đã được mai táng ở miền xa thắng…".
Những bức thư còn lại là tất cả những gì gia đình giữ được – những dòng chữ viết tay gửi người thân, người yêu, đồng đội – từ một người con ưu tú của đất nước. Gia đình đã trao lại cho ông Hưng trong cuộc vận động “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.
“Tôi đã biên soạn thành cuốn sách mang tên ‘Sống để yêu thương và dâng hiến’, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành,” ông cho biết. Cuốn sách sau đó đã tạo tiếng vang lớn, được báo Tiền Phong mở chuyên mục dài kỳ và trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ. Từ những bức thư ấy, liệt sĩ Hoàng Kim Giao được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong một bức thư gửi về cho gia đình, Hoàng Kim Giao viết: “Cần phải sống, nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hy sinh cần thiết”. Những dòng thư ấy, hơn nửa thế kỷ sau, vẫn khiến người đọc lặng đi.
Đặc biệt, trong một lá thư viết trước ngày hy sinh không lâu, anh bày tỏ: “Yêu cuộc sống là vậy, thương nhớ bố mẹ và các em là thế, rồi khát khao ngày trở về đoàn tụ với gia đình… Nhưng đã biết bao lần, cũng như lần cuối, anh nhận sự ra đi về mình, dành lại sự sống cho đồng đội. Dứt khoát, thanh thản như nhận mình là tiếng cười trong đạn bom và bông hoa nở từ xương máu”.
Nhà văn Đặng Vương Hưng đánh giá: “Giống như Đặng Thùy Trâm hay Nguyễn Văn Thạc, liệt sĩ Hoàng Kim Giao không chỉ cầm súng mà còn cầm bút. Thư của anh là một bản tuyên ngôn của lòng yêu nước, là tiếng nói lương tri của tuổi trẻ trong thời đại "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Chia sẻ về những hiện vật như tập thư của Hoàng Kim Giao, Đại tá Đặng Vương Hưng khẳng định: “Đó là thứ không thể làm giả. Từ con chữ, giấy mực, dấu bưu điện… đều là chứng tích lịch sử. Chúng tôi đang cố gắng sưu tầm, số hóa và gìn giữ để hình thành một Bảo tàng ký ức người lính online – nơi lưu giữ những gì xúc động nhất của một thế hệ "sống để yêu thương và dâng hiến".
Giữa không gian ký ức của ngày 30/4 – khi cả nước hân hoan đón thời khắc độc lập – hiện vật như “mộ gió” hay những bức thư tay viết bằng mực tím lại trở thành tiếng nói đầy mạnh mẽ về sự hy sinh âm thầm. Theo Đại tá Đặng Vương Hưng, đó là những “hiện vật vô hình nhưng không vô nghĩa”.
“Trong chiến tranh, tướng lĩnh giữ vai trò quyết định. Nhưng bên cạnh họ, có những người lính trí thức không để lại hài cốt, không có tượng đài – mà chính sự hy sinh thầm lặng ấy đã làm nên nền móng cho ngày toàn thắng”, ông Hưng chia sẻ.
Mời quý độc giả đón xem video của Báo Tri thức và Cuộc sống phỏng vấn Đại tá, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng nói về quá trình sưu tầm những di vật của anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao để xuất bản thành cuốn sách Sống để yêu thương và dâng hiến.
Sức khỏe của VMEP ra sao khi bị phạt thuế 355 triệu đồng?
(Vietnamdaily) - Công ty Hữu hạn Chế tạo Công nghiệp và Gia công Chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam – VMEP bị xử phạt tổng 355 triệu đồng.
UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 1128/QĐ-XPHC ngày 11/4/2025, về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Hữu hạn Chế tạo Công nghiệp và Gia công Chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam – VMEP (trụ sở tại TP Biên Hòa, địa chỉ hoạt động tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch II, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Công ty VMEP có 2 hành vi vi phạm là: đưa dự án vào hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành nhưng chưa có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; không thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Với những vi phạm nêu trên, Công ty Hữu hạn Chế tạo Công nghiệp và Gia công Chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam – VMEP bị xử phạt tổng 355 triệu đồng.
Ảnh minh họa.
Lỗ lũy kế lên tới 1.177 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023
Công ty Hữu hạn Chế tạo Công nghiệp và Gia công Chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam – VMEP được thành lập năm 1992 có ngành nghề chính là sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe. VMEP sở hữu xe gắn máy mang thương hiệu nổi tiếng SYM.
Sau hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, VMEP vẫn đang gánh lỗ lũy kế lên tới 1.177 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023.
Đơn cử như trong năm 2022, VMEP đạt con số doanh thu thuần khá khả quan với gần 2.855 tỷ đồng. Giá vốn chiếm mức cao 2.600 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp lùi về 254 tỷ đồng. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên ở mức 8,89%, một con số không phải là tệ đối với ngành công nghiệp xe máy.
Tuy nhiên, sau khi trừ các loại chi phí như tài chính (116 tỷ), bán hàng (143 tỷ) và quản lý doanh nghiệp (160 tỷ), VMEP đành chịu lỗ thuần 55 tỷ đồng.
Nhờ ghi nhận gần 24 tỷ đồng lợi nhuận khác và được hoàn nhập 328 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại nên mức lỗ của VMEP trong năm 2022 giảm xuống còn 31 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, doanh thu thuần của VMEP lại giảm 24% so năm trước, về gần 2.169 tỷ đồng. Tuy nhiên, kỳ này VMEP kiểm soát được giá vốn nên lợi nhuận gộp đạt mức khả quan gần 290 tỷ đồng, tăng gần 18%, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cải thiện lên 13,3%.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính tăng 11% lên 122 tỷ đồng trong khi các loại chi phí vẫn tương đương cùng kỳ. Do đó, VMEP đã bắt đầu có lãi thuần trở lại với hơn 7,6 tỷ đồng.
Cộng thêm lợi nhuận từ hoạt động khác 16,7 tỷ giúp lãi sau thuế năm 2023 của VMEP đạt mức khả quan 21,4 tỷ đồng so thua lỗ năm trước.
Điều đáng nói, mặt dù năm 2023 VMEP kinh doanh có lãi song lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại tiếp tục âm nặng gần 108 tỷ đồng.
Đồng thời, VMEP vẫn còn gánh nặng lỗ lũy kế lên tới 1.177 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023.
VMEP có vốn điều lệ 2.836 tỷ đồng tại thời điểm cuối 2023, nhưng do lỗ lũy kế nặng nên vốn chủ sở hữu đã bị "ăn mòn" xuống còn 1.588 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của VMEP giảm 12,7% so đầu kỳ, xuống còn 2.869 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giảm thuế GTGT được khấu trừ và giảm thuế và các khoản khác phải thu Nhà nước; Giảm lượng tiền gửi ngân hàng, giảm khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng...
Trong cơ cấu nợ phải trả 1.281 tỷ, VMEP tăng vay nợ tài chính ngắn hạn lên 1.054 tỷ đồng và không phát sinh vay nợ tài chính dài hạn.
Chủ thương hiệu Cám Con Cò bị phạt 780 triệu đồng, buộc di dời và nộp lợi bất hợp pháp
(Vietnamdaily) - Với 5 vi phạm, Công ty CP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc bị xử phạt hành chính tổng cộng 780 triệu đồng.
Ngày 15/4, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1174/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường đối với Công ty CP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc (Proconco) tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Công ty CP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc đã có 5 hành vi vi phạm, bao gồm:
- Không có giấy phép môi trường theo quy định đối với cơ sở thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh.
- Thực hiện không đầy đủ nội dung về quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ theo quy định tại Quyết định số 329/QĐ-KCNĐN ngày 05/12/2018 của Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án "Nâng công suất công ty sản xuất thức ăn gia súc từ 400.000 tấn sản phẩm/năm lên 1.500.000 tấn sản phẩm/năm" (về quan trắc thông số bụi, vị trí ống thoát thải sau hệ thống xử lý lọc túi vải của hệ thống nạp liệu, tần suất quan trắc 3 tháng/lần).
Một phần quyết định xử phạt.
- Không bố trí sẵn thao tác bảo đảm an toàn tại vị trí lấy mẫu bụi, khí thải, lỗ lấy mẫu khí tại vị trí ống thoát thải sau hệ thống xử lý lọc túi vải của hệ thống nạp liệu tại thời điểm khảo sát ngày 17/3/2025 của Sở Nông nghiệp và Môi trường.
- Có hành vi thải khí thải có chứa thông số CO vượt 2,8 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 19:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ (với Kp= 1, Kv= 0,6) trong trường hợp lưu lượng khí thải là 9.698 m3/giờ vào ngày 17/3/2025.
- Thay đổi nguyên liệu đốt đối với lò hơi từ trấu nén viên thành củi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường số 329/QĐ-KCNĐN ngày 05/12/2018 của Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cấp cho dự án "Nâng công suất Công ty sản xuất thức ăn gia súc từ 400.000 tấn sản phẩm/năm lên 1.500.000 tấn sản phẩm/năm".
Với các vi phạm trên, Công ty CP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc bị xử phạt hành chính tổng cộng 780 triệu đồng.
Ngoài bị xử phạt hành chính, công ty này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai buộc công ty này thực hiện di dời đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt do không phù hợp với quy hoạch tỉnh, thời gian di dời trước 1/12/2025.
Cùng với đó, công ty cũng buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi hành chính không thực hiện chương trình quan trắc chất thải trong quá trình vận hành dự án đầu tư.
Công ty CP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc được thành lập từ năm 1991, tiền thân là công ty liên doanh sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam. Đây là chủ thương hiệu "Cám con Cò" nổi tiếng. Nhà máy đầu tiên của Proconco được xây dựng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai).