Câu chuyện nền văn minh Maya đột nhiên lụi tàn ngay thời điểm nó cực thịnh nhất đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý của không ít người. Để tìm ra câu trả lời cuối cùng, các nhà khoa học đến từ Đại học Cambridge và Florida đã bắt tay vào nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu đã khiến không ít người ngạc nhiên bởi lý do khiến nền văn minh Maya lụi tàn là do những trận hạn hán kéo vào khoảng năm 800-1100 SCN.
Để đi đến kết luận này các nhà nghiên cứu đã xem xét, kiểm tra phân tích mẫu trầm tích ở hồ Chichancanab, Mexico - khu vực người Maya từng sinh sống, với mục đích xác định những sự thay đổi về lượng mưa và độ ẩm hàng trăm năm trước. Thực tế cho thấy, vào khoảng 1.000 năm trước, lượng mưa tại khu vực người Maya sinh sống đột nhiên giảm mạnh. Cụ thể, lượng mưagiảm tới 70%.

Liên quan đến vấn đề này, Nick Evans - một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Cambridge cho hay, khi xảy ra hạn nước, nước trong hồ Chichancanab bị bốc hơi nhiều hơn. Lý do là, các đồng vị nước nhẹ sẽ bốc hơi trước nên tỉ lệ đồng vị nước nặng tăng trong mẫu trầm tích cho thấy một đợt hạn hán, mức độ hạn hán cũng như thời gian hạn hán diễn ra.