Theo Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, vào ngày 3/5/2025, trong quá trình kiểm tra lăng mộ vua Lê Túc Tông (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), đơn vị phát hiện di tích này có dấu hiệu bị xâm phạm.
Sau khi nhận thông báo về vụ việc, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra và bắt giữ hai người mang quốc tịch Trung Quốc có hành vi “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” tại lăng mộ vua Lê Túc Tông khi hai đối tượng này đang trên đường bỏ trốn ra TP Móng Cái để xuất cảnh sang Trung Quốc. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Lăng mộ có tầm quan trọng đặc biệt của Việt Nam
Theo hồ sơ di tích, lăng mộ vua Lê Túc Tông là một hạng mục thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Cố đô Lam Kinh là một di tích gắn liền với sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ và nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1428) đánh đuổi giặc nhà Minh và lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long), vua Lê Thái Tổ cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.

Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.
Xưa kia ở Lam Kinh từng tồn tại một hệ thống các cung điện, đền miếu… nguy nga tráng lệ. Tiếc rằng do các biến động lịch sử mà nhiều công trình đã bị hủy hoại. Khoảng một thập niên trở lại đây, Cố đô nhà Hậu Lê đã được tái thiết trên quy mô lớn và diện mạo dần dần được khôi phục.
Nằm sau khu chính điện là khu Thái miếu Lam Kinh, nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Khu vực này xưa kia có 9 tòa miếu nhưng đã bị hủy hoại theo thời gian, những năm gần đây đã được tiến hành phục dựng.
Vĩnh Lăng – nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tổ nằm cách điện Lam Kinh 50m. Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên và trang nhã.
Ngoài lăng vua Lê Thái Tổ, ở Lam Kinh còn lăng các vua đời sau – gồm lăng vua Lê Túc Tông, và lăng các hoàng hậu nhà Hậu Lê.
Trong quá khứ, lăng mộ vua Lê Túc Tông từng bị hủy hoại, chỉ còn lại một số gạch vồ loại mỏng xếp xung quanh gò đất cao. Năm 1997, qua khảo sát xác định lại vị trí, lăng mộ được tôn tạo, xây bằng gạch và trát xi măng bên ngoài. Trung tâm của khu lăng mộ là mộ phần vua Lê Túc Tông, có chiều dài 4,50m, rộng 4,50m, cao 1m.
Lê Túc Tông - vị vua đức độ, tài năng nhưng yểu mệnh
Theo các tư liệu lịch sử, vua Lê Túc Tông có tên húy là Lê Thuần, sinh ngày 6/9/1488, là con trai thứ ba của vua Lê Hiến Tông và hoàng hậu Nguyễn Thị Hoàn. Mặc dù không phải là con trưởng, ông được vua cha đánh giá cao về tư chất thông minh, hiếu học và đức hạnh, nên được lập làm Hoàng thái tử vào tháng 3/1499.
Sau khi vua Lê Hiến Tông qua đời vào tháng 6/1504, Lê Thuần lên ngôi, lấy niên hiệu là Thái Trinh, trở thành vị hoàng đế thứ bảy của triều Lê sơ. Tuy chỉ trị vì trong thời gian ngắn ngủi khoảng sáu tháng nhưng ông đã để lại nhiều dấu ấn tích cực. Theo ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, vua Lê Túc Tông là người dốc chí hiếu học, thân cận với người hiền, vui việc thiện và là vị vua giỏi giữ cơ nghiệp thái bình. Trong thời gian Lê Túc Tông ở ngôi, các tướng lĩnh dưới quyền của ông đã dẹp yên cuộc nổi loạn của Đoàn Thế Nùng ở Cao Bằng, góp phần duy trì sự ổn định của đất nước.

Tháng 12/1504, vua Lê Túc Tông đột ngột lâm bệnh nặng. Do không có con nối dõi, ông chỉ định người anh thứ hai là Lê Tuấn lên nối ngôi, tức vua Lê Uy Mục. Ngày 12/1/1505, vua Lê Túc Tông băng hà khi mới 16 tuổi, kết thúc một triều đại ngắn ngủi nhưng đầy thiện chí và công lao. Năm 1505, linh cữu vua Lê Túc Tông được đưa về Lam Kinh an táng ở Kính Lăng, nay thuộc địa phận xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa.
Mặc dù thời gian trị vì ngắn ngủi, vua Lê Túc Tông được hậu thế ghi nhận là vị vua có đức độ và tài năng, góp phần duy trì sự ổn định và thịnh trị của triều Lê sơ. Sau khi ông qua đời, đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ suy yếu do sự sa đọa và tàn ác của người kế vị là vua Lê Uy Mục.
Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá được quy định tại Điều 13 Luật Di sản văn hóa 2001 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009, cụ thể như sau:
(1) Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.
(2) Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hoá;
(3) Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh;
(4) Mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài.
(5) Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật.