Bọn khủng bố tấn công phương Tây (trong đó có Mỹ) và Nga thuộc những dạng khác nhau. Theo nhận định của phương Tây, những nhóm tấn công Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Ấn Độ hay Indonesia là chống lại toàn bộ loài người; trong khi tấn công Nga đơn thuần là chống lại chính quyền Moscow đang gia tăng sự kiểm soát vùng Tây Nam. Mục đích tấn công khác nhau nên Nga và thế giới phương Tây khó tìm thấy điểm chung trong trong việc hợp tác ngăn chặn nạn khủng bố.
Tuy nhiên, vụ khủng bố giải marathon Boston vừa qua cho thấy một "biến thể" khủng bố mới. Hai kẻ khủng bố có nguồn gốc từ Nga lại tấn công Mỹ chứ không đánh bom các quan chức Moscow hay lợi ích của Nga. Vụ việc cho thấy, Nga hoàn toàn có thể giúp Mỹ chống lại vấn nạn này; bởi nếu xét riêng vụ đánh bom Boston, Nga giúp được Mỹ theo dõi hai kẻ khủng bố do chúng từng sống ở Nga nhiều năm trước khi di cư sang Mỹ. Đã vậy, chúng vẫn còn có nhiều mối liên hệ với người thân ở Nga cũng như trong khu vực ảnh hưởng của Nga.
Nói cách khác, dù không thể ngăn chặn, đập tan vụ khủng bố Boston từ trong trứng nước thì Moscow cũng có thể cung cấp cho Washington nhiều thông tin quý giá trước khi sự việc đáng tiếc xảy ra hôm 15/4.
![]() |
Khủng bố Chechnya đe doạ cả Mỹ. Ảnh minh hoạ. |
Tóm lại, vụ Boston cho thấy cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu cần sự hợp tác của nhiều nước. Các bên liên quan phải gác lại các bất đồng chính trị để cùng nhau cứng rắn với bọn cực đoan. Không quan trọng là bọn chúng tới từ Chechnya hay Afghanistan, tấn công dân thường hay chính phủ... các nhà lãnh đạo cần hợp lực tiêu diệt chúng bởi suy cho cùng, mọi người ở mọi quốc gia đều có thể là nạn nhân của khủng bố.
Đã vậy, bọn khủng bố ngày nay di chuyển liên tục, cơ cấu tổ chức không còn cứng nhắc, khép kín mà có thể lỏng lẻo, khiến nhà chức trách khó theo dõi, bám sát. Nếu chính quyền các nước co cụm, chỉ khư khư giữ "nhà mình" thì không thể đối phó hiệu quả với vấn nạn này. Máu sẽ tiếp tục đổ và các nguyên thủ vẫn phải gửi lời chia buồn tới nhau.
Với quan hệ Nga-Mỹ, ngoài hợp tác chống khủng bố, vụ Boston là cơ hội để hai bên gắn kết quan hệ vốn đã và đang bị kéo căng bởi những bất đồng liên quan tới lá chắn tên lửa, can thiệp vào Syria hay không... Đó sẽ là dấu cộng cho bảng quyết toán nhiều dấu trừ của hai cường quốc.