Khám phá nghề độc vừa lặn vừa làm mộc trên biển

Ở Cam Ranh có một đội thợ mộc khá đặc biệt với nghề độc lạ. Họ vừa lặn vừa làm mộc để dựng lên những ngôi nhà gỗ ngay trên mặt biển mênh mông sóng gió.

Trong một lần đi thực tế tại phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), chúng tôi làm quen với đội thợ mộc chuyên dựng nhà gỗ trên biển. Nghe họ kể về nghề độc lạ, về kỹ năng làm việc ở một môi trường quá khác biệt so với nghề mộc truyền thống... chúng tôi liền đề nghị được đi theo “thị sát”.
Kham pha nghe doc vua lan vua lam moc tren bien
Anh Đông khoan trụ rất cẩn thận để đảm bảo độ chính xác. 
Thợ mộc kiêm... thợ lặn
Theo lời hẹn, chúng tôi đến nhà anh Vy Thanh Đông ở tổ dân phố Hòa Do 4, phường Cam Phúc Bắc từ sáng sớm. Nhà anh nằm gần bến đò dẫn ra khu vực trồng rong, nuôi sò ở khu vực biển cồn Chim. Theo anh ra bến đò, chúng tôi thấy nhóm thợ mộc của anh Đông đã có mặt. Lúc này, hàng chục cây gỗ rừng to bằng bắp đùi cũng đã được kết thành bè, neo sát mép biển. Sau khi phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, anh Đông xách túi đồ nghề (chỉ có 1 cái cưa và 1 cái khoan tay, vài cái cờ-lê và rất nhiều đinh bù-loong) xuống xuồng, chở chúng tôi hướng ra khu vực cồn Chim.
Kham pha nghe doc vua lan vua lam moc tren bien-Hinh-2
 Len gỗ từ đất liền ra vị trí dựng nhà chòi.
Trên đường đến địa điểm thi công, chiếc xuồng chở chúng tôi lướt qua hàng trăm nhà chòi ngay hàng thẳng lối, trông chẳng khác một “khu đô thị” trên biển. Chỉ tay về những dãy nhà đó, anh Đông cho biết: “Đấy là khu vực tập trung trồng rong sụn kết hợp nuôi sò của người dân phường Cam Phúc Bắc, bắt đầu hình thành từ năm 2005. Hầu hết trong những dãy nhà chòi đó là do nhóm thợ của anh em tôi làm”.
Khoảng gần 1 giờ sau, anh Nguyễn Đường (em rể của anh Đông) và 2 người thợ bạn mới di chuyển bè gỗ đến vị trí thi công, nơi chúng tôi và anh Đông đã đợi sẵn. Theo anh Nguyễn Trung Kiên, một người thợ trong nhóm, gỗ để làm những căn nhà chòi trên biển bắt buộc phải là cây rừng mới có đủ độ bền chắc chống chọi với nước mặn và sóng gió suốt hàng chục năm. Để tăng độ bền cho các cây trụ trước sự bám dính, ăn mòn của hàu, các anh sẽ trét lên phần trụ ngập dưới nước một lớp mỡ máy, rồi quấn chặt bao nilon phía ngoài.
Kham pha nghe doc vua lan vua lam moc tren bien-Hinh-3
 Liên kết các trụ để tạo sự vững chắc cho phần khung nhà.
Khi bè gỗ vật liệu được neo đúng vị trí, anh Kiên và một người thợ khác đi đến công trình khác trong khu vực. Lúc này, tại “công trường” chỉ còn lại chúng tôi và anh em nhà anh Đông. Sau ít phút trầm ngâm nhìn vào các thông số trên mảnh giấy, anh Đông bắt đầu xác định vị trí để anh Đường lặn xuống đáy biển đào lỗ, chuẩn bị cho việc dựng trụ. Về phần mình, anh Đông leo lên bè gỗ, lần lượt cưa từng cây theo kích cỡ đã tính toán sẵn. Theo anh Đông, trước khi thi công 1 căn nhà chòi, anh phải khảo sát, xác định độ sâu mực nước khi thủy triều lên xuống tại vị trí sắp xây dựng để xác định chiều cao của trụ. Sau đó, anh tính toán, thiết kế và đưa ra thông số để chủ công trình mua cây gỗ cho thích hợp. “Dù vậy, chúng tôi cũng không dám cưa sẵn trên bờ, nhất là đối với cây làm trụ vì còn phụ thuộc vào độ sâu của lỗ trồng trụ dưới đáy biển. Bởi nếu gặp chỗ cứng thì đào cạn, chỗ sình thì phải đào sâu. Nói chung là tất tần tật đều phải thi công tại thực địa. Và đó cũng là điểm đặc biệt của nghề làm thợ mộc trên biển”, anh Đông nói.
Khi anh Đường đào xong 35 lỗ đưới đáy biển cũng là lúc mặt trời đã đứng bóng. Lúc này, anh Đông cũng đã cưa xong toàn bộ cây trụ. Giữa trưa nắng và ở ngay trên nước biển, chúng tôi đã thấy rát mặt. Nhưng xem ra điều đó chẳng là gì đối với anh Đường, dù anh đã ngâm mình hàng giờ dưới đáy biển. “Để đào được những lỗ sâu bình quân từ 0,7 - 1,2m dưới đáy biển, phải biết lặn mới làm được. Tôi vốn là thợ lặn, hơn nữa cũng đã làm nghề này 15 năm nay nên thấy cũng chẳng có gì khó”, anh Đường cho biết.
Nghề theo mùa
Giữa cái nắng càng lúc càng gay gắt, 2 người thợ bắt đầu công việc dựng trụ. Họ hì hục đánh vật với những khúc cây rừng nặng trịch, đến khoảng 2 giờ chiều thì toàn bộ 35 cây trụ cũng được định vị chắc chắn dưới đáy biển. Mãi đến lúc này, 2 anh em họ mới tạm nghỉ để ăn trưa. Anh Đông nói: “Thế là khâu khó nhất, mệt nhất đã xong! Thông thường người ta chỉ làm nhà chòi rộng khoảng vài chục mét vuông. Nhưng nhà này có diện tích trồng rong rất lớn nên họ mới làm nhà chòi ngoại cỡ 70m2 thế này, trong đó dành khoảng 2/3 diện tích mặt sàn để làm sân phơi rong. Với công trình này, 2 người phải làm liên tục trong 1 tuần mới xong”.
Sau ít phút nghỉ ngơi, 2 thợ mộc lại tiếp tục với công việc của mình. Họ khoan lỗ, rồi liên kết giữa những cây trụ và cây giằng ngang bằng những cây đinh bù loong, tạo nên một khối liên kết rất vững chắc. Theo quan sát của chúng tôi, ở công đoạn này, tuy không đòi hỏi nhiều sức lực như khâu dựng trụ, nhưng lại đòi hỏi sự chính xác rất cao nên mỗi người thợ tiến hành một cách rất cẩn trọng. Sau khi hoàn thành phần khung nhà chòi, anh Đường cho biết, công trình này chỉ còn đóng vách và lát sàn là hoàn tất. Công việc này đơn giản nên ngày mai sẽ do anh Kiên và anh Hùng làm. Còn anh và anh Đông sẽ sang làm những công đoạn đầu cho một công trình khác.
Anh Đông cho biết, từ sau Tết cho đến trước mùa mưa là thời điểm đội thợ của anh làm không hết việc, do nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà chòi rất lớn. Công việc rất vất vả nhưng tiền công chỉ khoảng 350.000 đồng/người/ngày. “Nghề này rất vất vả, hơn nữa lại chỉ có việc theo mùa (mùa mưa không làm được - P.V), thu nhập cũng không cao nên nhiều lần tôi đã tính bỏ nghề. Nhưng mỗi khi có người đến nhờ, tôi lại không nỡ từ chối”, anh Đông chia sẻ. Trò chuyện với anh Đông, chúng tôi được biết anh gắn bó với nghề làm nhà chòi trên biển từ năm 16 tuổi. Ban đầu, anh đi theo phụ giúp cha xây dựng, sửa chữa chòi quay rớ cho người dân trong vùng. Theo thời gian, nghề nuôi trồng thủy sản ở Cam Ranh, Cam Lâm ngày càng phát triển; cùng với đó, nhu cầu làm nhà chòi trên các lồng bè hay dựng trực tiếp từ đáy biển cũng ngày càng lớn; anh Đông đã thành lập nhóm thợ để chuyên phục vụ nhu cầu này.
Theo ông Nguyễn Hơn - Tổ phó Tổ liên kết trồng rong sụn và nuôi sò phường Cam Phúc Bắc, khu vực này hiện có gần 200 căn nhà chòi, chủ yếu là do nhóm thợ của anh Đông làm. “Các chú ấy làm rất chắc chắn mà tiền công cũng vừa phải. Trong khu này có một số nhà đã hơn chục năm mà còn rất vững”, ông Hơn nói.
“Mười mấy năm qua, 4 anh em tụi tôi nhận làm nhà chòi không chỉ ở Cam Lâm, Cam Ranh mà còn ở Nha Trang, Ninh Hòa nên chẳng nhớ nổi đã làm bao nhiêu cái nữa”, anh Đông chia sẻ.

Hãi hùng công nghệ nước uống đóng bình đầu độc dân Việt

Qua kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng bình sử dụng nguồn nước ô nhiễm, xử lý qua quýt bằng phương pháp thủ công. 

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nước uống đóng bình chứa một số vi khuẩn gây tiêu chảy, thủng giác mạc, viêm đường tiết niệu… hoặc chứa quá nhiều fluor gây đen răng, mục xương.

Nước ngầm ô nhiễm, lắng lọc thủ công
Kiểm tra một cơ sở sản xuất nước uống đóng bình ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM, cơ quan chức năng phát hiện chủ cơ sở dùng nguồn nước giếng khoan để đóng bình, sau đó xử lý qua loa bằng máy lọc than hoạt tính rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Điều đáng nói là nguồn nước ngầm ở một số quận, huyện tại TPHCM đang nhiễm bẩn nghiêm trọng, trong khi không ít cơ sở không sử dụng hệ thống lọc để loại bỏ các chất độc hại mà đưa thẳng vào bình.
Chuyên gia về sức khỏe cộng đồng Hoàng Thị Ngọc Ngân, từng công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết, để cho ra một bình nước đảm bảo an toàn, nước phải được lọc qua than, cát sỏi để ngăn chặn cặn lơ lửng trước khi lọc qua cặn li ti.
Theo thạc sĩ Ngân, sau đó, nước này phải lọc qua than hoạt tính, rồi chuyển qua lọc vi trùng và xử lý tia cực tím mới được đóng ra bình đưa ra thị trường.
Khảo sát mới đây với gần 200.000 giếng khoan tập trung ở các quận 9, 10, 11, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân và Tân Phú cho thấy nước có hàm lượng nitơ cao. Tại Gò Vấp, hàm lượng nitơ đã vượt tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống và bị nhiễm vi sinh gây các bệnh tiêu hóa.
Tuy nhiên, nguồn nước này được dùng để hô biến thành nước uống tinh khiết, nước đóng bình, đóng chai mà không qua hệ thống lọc xử lý vi trùng và tia cực tím. Trong kết quả kiểm tra mới đây của Sở Y tế TPHCM đối với 70 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai, 27 cơ sở không đảm bảo vệ sinh với hơn 20 mẫu nước nhiễm vi sinh.
Nguy hiểm hơn, tại Cty sản xuất nước T.Đ. trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, nhãn hiệu nước đóng bình Aquaphar nhiễm Pseudomonas aeruginosa - một loại vi trùng gây bệnh mủ xanh rất nguy hiểm. Sản phẩm nước uống của hàng chục cơ sở khác nhiễm vi sinh gây tiêu chảy…
Hai hung cong nghe nuoc uong dong binh dau doc dan Viet
Bình đựng nước bỏ lăn lóc ngoài sân rất mất vệ sinh. Ảnh: Lê Nguyễn.
Tại một cơ sở sản xuất ở huyện Hóc Môn, bên trong khuôn viên là hàng trăm bình nước loại 12 lít và 20 lít chất ngổn ngang giữa trời mưa nắng. Số bình này được thu gom về từ các đại lý bán nước đóng bình. Sau đó, công nhân xúc rửa trước khi bơm nước vào rồi dán nhãn, bọc nilon để bán ra thị trường.
Hai công nhân dùng nước rửa chén (bát) khuấy đều với nước ở một chậu lớn, sau đó lần lượt đưa số bình dơ bẩn này vào xúc rửa thủ công. Một công nhân dùng nước rửa chén chùi nắp bình, một công nhân khác cho nước rửa chén vào bình xúc xong rồi dùng vòi nước xịt lại bên trong, bên ngoài và đưa bình qua công đoạn đổ nước vào để bán ra thị trường.
Hai hung cong nghe nuoc uong dong binh dau doc dan Viet-Hinh-2
Kiểm tra một cơ sở nước đóng bình nhiễm bẩn. 
Chuyên gia Hoàng Thị Ngọc Ngân cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất đã trang bị nhiều loại máy xử lý nước hiện đại để làm sạch nước theo tiêu chuẩn nước uống trước khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, còn không ít cơ sở vẫn làm theo kiểu thủ công, chưa trang bị hệ thống lọc đạt chuẩn. Nguy hại hơn ở khâu xúc rửa, nhiều cơ sở chỉ dùng vòi xịt qua loa bên trong và ngoài bình rồi đưa vào đóng chai, trong khi có nơi xúc rửa bằng xà phòng không tẩy rửa sạch các loại vi trùng bám ở bình.
Nguy hại cho sức khỏe
TPHCM hiện có khoảng 300 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai có nhãn hiệu, được cơ quan chức năng cấp phép. Ngoài ra, có hàng trăm cơ sở sản xuất thủ công, nhỏ lẻ lén lút hoạt động, cho ra lò nhiều nhãn nước tinh khiết nhiễm bẩn, ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng. Tuy nhiên, điểm đến của số nước đóng bình, đóng chai này lại là các trường học, công ty trong khu công nghiệp và các hộ dân.
Hai hung cong nghe nuoc uong dong binh dau doc dan Viet-Hinh-3
 Học sinh uống nước đóng bình tại một trường tiểu học. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Bác sĩ Cao Ngọc Nga, chuyên gia vi sinh của Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết, nước đóng bình nhiễm Pseudomonas aeruginosa - loại trực khuẩn gây bệnh mủ xanh và nhiễm Coliforms - một loại vi khuẩn gây bẩn rất nguy hiểm cho người dùng.
“Ngoài sử dụng nguồn nước không đảm bảo, hệ thống xử lý nước thô sơ và công nghệ xúc rửa bình mất vệ sinh là nguyên nhân giúp các loại vi khuẩn gây bệnh tồn tại”, bác sĩ Nga nói. Chuyên gia này cho biết, Pseudomonas gây các bệnh nhiễm khuẩn ở người như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn cơ hội. Đây là loại trực khuẩn gram âm, sống ở khắp nơi trong môi trường thiên nhiên, thích hợp với các môi trường ấm và ẩm ướt.
Khuẩn này có độc lực cao, rất dễ xâm nhập vào giác mạc khi có điều kiện thuận lợi. Trực khuẩn mủ xanh còn có khả năng tiết ra men tiêu collagen, dẫn đến hoại tử giác mạc, thủng giác mạc nhanh chóng. “Ở một số trẻ em bị viêm hô hấp mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là “thò lò mũi xanh”, bác sĩ Nga cho biết.
Trước thực trạng nước đóng bình nhiễm bẩn tràn lan trên thị trường, các bác sĩ ở Trường ĐH Y Dược TPHCM và Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM đã đo nồng độ fluor của nước.
Kết quả cho thấy, nồng độ chất này trong một số mẫu nước đóng chai, đóng bình đạt 2 mg/l, trong khi quy định tiêu chuẩn nước uống chỉ 0,7-1,5mg/l. Dù không gây ung thư nhưng nếu sử dụng thường xuyên nguồn nước có hàm lượng fluor cao hơn trên 2 mg/l có thể dẫn tới đen răng, mục xương.
Hai năm trước, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM công bố kết quả kiểm tra 464 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước đá, nước uống đóng bình, đóng chai ở TPHCM. Theo đó, hơn 60% không đạt điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong số 36 cơ sở sản xuất nước đá được kiểm tra, chỉ có 14 đạt yêu cầu. Trong số 77 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai được kiểm tra, chỉ có 26 đạt vệ sinh.
Tại Trường Tiểu học T.Q.T, quận 5, TPHCM, bình nước uống được để trên ghế, mỗi lớp một bình. Trên bình nước có một ly nhôm. Theo quan sát của PV, trưa 18/9, học sinh học bán trú ăn trưa tại trường này ngồi khắp nơi từ trong lớp ra đến hành lang. Đang ăn, nhiều em chạy đến rót nước uống mà không kịp lau miệng.
Tương tự, tại Trường Tiểu học H.H, quận Bình Thạnh, mỗi lớp có một bình nước lọc và vài ly nhôm. Tại Trường Tiểu học C.B.Q, quận Phú Nhuận cũng có bình nước lọc nhưng lại trang bị hàng chục ly nhựa. Theo tìm hiểu của PV, rất ít trường ở TPHCM nấu nước sôi hoặc có cả bình nước nóng lạnh cho học sinh uống mà chủ yếu đặt hàng nước lọc từ các cơ sở bên ngoài. Hằng tháng, học sinh phải đóng 5-10 ngàn đồng/em.

Nghề lạ: bỏ làm thì ốm - được làm thì vui khỏe

Căn duyên "bắt" làm hạc

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Đình Long tại một xưởng điêu khắc hạc thờ tại TP Thái Bình, anh Long là đời thứ 3 của dòng họ Nguyễn Đình ở tỉnh Nam Hà cũ làm nghề hạc thờ.